Năm 2022, ngành Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN đạt 12.055 tỷ đồng, tăng từ 17-18% so với cùng kỳ năm 2021. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phương châm hành động: “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả” và mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà UBND tỉnh đề ra, để chỉ đạo, vận động DN chủ động thích ứng với dịch COVID-19 trong tình hình mới; nhanh chóng khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm hiện có.
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: V.T
Ngoài các giải pháp kể trên, đơn vị còn chủ động phối hợp các ngành, địa phương nắm bắt, thu thập thông tin, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Tham mưu xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch phục hồi ngành CN chế biến năm 2022. Đồng thời nghiên cứu xây dựng dự thảo Kế hoạch thúc đẩy phát triển các ngành CN chế biến, chế tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức làm việc với Công ty Điện lực Ninh Thuận để bổ sung giấy đăng ký kinh doanh đối với chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà; kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng Nhà máy điện mặt trời BIM 3 và BIM 2. Xây dựng phương án tháo dỡ, di dời và quản lý tài sản trên đất của Công ty TNHH Thương mại Hải Đông tại Cụm CN Tháp Chàm. Cập nhật, theo dõi tình hình đầu tư và hoạt động sản xuất CN của các DN trong Cụm CN Tháp Chàm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại DN...
Với tinh thần quyết tâm cao, ngay sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các DN đã bắt tay tổ chức sản xuất sớm, với không khí sôi nổi, nên nhiều sản phẩm tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 2 chỉ số sản xuất CN đạt tốc độ tăng 19,9% so với tháng cùng kỳ 2021. Kết quả trên góp phần đưa chỉ số sản xuất CN trong 2 tháng đầu năm tăng 11,25% so cùng kỳ. Trong đó, ngành CN khai khoáng tăng 28,53% (gồm: hoạt động khai thác đá xây dựng tăng 3,73%, khai thác muối biển tăng 47,77%); ngành CN chế biến, chế tạo tăng 58,43%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 15,24%; cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải ước tăng 8,35% so cùng kỳ.
Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH May Tiến Thuận. Ảnh: X.B
Một số sản phẩm CN chủ yếu trong 2 tháng có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Thạch nha đam tăng 266,8%; tôm đông lạnh tăng 120%; hạt điều khô tăng 114,3%; bia đóng lon tăng 57,4%; điện gió tăng 48,9%; muối biển tăng 47,8%; sản xuất đường tăng 28,3%; tinh bột mì tăng 24,7%; điện mặt trời tăng 8,5%. Bên cạnh đó, một số ngành CN cấp II cũng có chỉ số sản xuất tăng khá như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 108,33%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất tăng 71,43%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 24,95%; sản xuất đồ uống tăng 23,46%...
Điểm thuận lợi tạo đà cho ngành CN phát triển trong năm 2022 và cả giai đoạn tiếp theo, đó là ngày 19-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bám sát tinh thần Nghị quyết và các chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến để xây dựng kế hoạch trình HĐND tỉnh thông qua, nhằm đẩy mạnh phát triển CN bảo đảm hiệu quả, khả thi phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, trong tháng 3, đơn vị tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển CN chế biến tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; Quyết định phê duyệt Đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm Năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện tích năng Bác Ái; tổng hợp ý kiến góp ý các bộ, ngành liên quan, tham mưu trình và phê duyệt hồ sơ mời thầu Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Tiếp tục nắm bắt thông tin về các dự án đang triển khai để động viên chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần tạo giá trị tăng thêm cho ngành CN chế biến. Làm việc với một số DN đầu tư dự án trong Cụm CN Tháp Chàm để hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đưa các dự án vào thi công trong quý I-2022...
Với sự khởi đầu thuận lợi như đã nêu trên, hy vọng trong năm 2022, ngành CN tỉnh nhà sẽ có nhiều khởi sắc mới, tạo động lực đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Văn Thanh