Ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, lượng khách tăng đột biến. Tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, từ hơn 9 giờ sáng, các quầy thanh toán đã đông người. Bước vào khung giờ cao điểm từ 10 giờ trở đi, 13 két thanh toán của siêu thị làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp, khách phải xếp hàng chờ đợi. Một nhân viên siêu thị cho biết: Từ đầu tháng 1 dương lịch, khách mua sắm Tết đã bắt đầu tăng mạnh.
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Diệp
Thời điểm hiện tại, sức mua tăng mạnh ở nhóm khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức đặt mua các phần quà Tết cho nhân viên và đối tác. Với khách hàng là nhóm hộ gia đình, sức mua tăng khoảng 30- 40% do nhiều người tranh thủ mua sắm sớm tránh tình trạng đông, chờ đợi lâu vào những ngày cận Tết sẽ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các mặt hàng bia, nước giải khát, bánh kẹo, mứt và nhóm mặt hàng thực phẩm khô được khách hàng tập trung chọn mua những ngày này. Nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả chưa có biến động, ngoại trừ một số củ, quả dùng để làm mứt như: cà rốt, thơm, gừng, nho, táo... Chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Vì dịch bệnh nên tôi tranh thủ đi mua sắm trước một số mặt hàng Tết, chủ yếu là quà biếu hai bên nội ngoại và một số mặt hàng gia vị, bánh kẹo.
Theo quan sát, năm nay, dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cung ứng hàng hóa nên giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng. Để hỗ trợ khách hàng và kích cầu tiêu dùng, các hệ thống cửa hàng, siêu thị đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi như: Giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chiết khấu theo hóa đơn, quà Tết cho thành viên... Các đơn vị kinh doanh, phân phối đã chủ động nguồn cung từ sớm nên hàng hóa trên thị trường rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây xáo trộn thị trường.
Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom.
Trong điều kiện thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nên xu hướng mua sắm Tết thiết thực, tiết kiệm được nhiều khách hàng quan tâm, lựa chọn, thể hiện rõ nhất là trong các giỏ quà Tết. Năm nay, thị trường giỏ quà Tết trở nên thiết thực và bình dân với các mặt hàng rất thiết thực như: dầu ăn, bánh kẹo, nước ngọt và mứt trái cây có xuất xứ trong nước có giá dao động từ khoảng 200.000- 500.000/giỏ. Người dân khi mua sắm Tết cũng lựa chọn các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn và cửa hàng bình ổn giá để được hưởng ưu đãi, khuyến mãi về giá và nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa. Chị Trần Hoàng Huyền Trang, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Năm nay, do dịch bệnh, gia đình thống nhất ăn Tết tiết kiệm, hạn chế đi lại, mua sắm ít hơn.
Dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên xu hướng mua sắm trực tuyến cũng tăng mạnh trong dịp Tết. Nhằm phục vụ tốt khách hàng, các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều hình thức bán hàng thông qua zalo, facebook, website và cả kênh điện thoại; đồng thời, triển khai hình thức giao hàng trực tiếp tại nhà. Nhờ vậy, tại các điểm bán hàng không xảy ra tình trạng chen lấn, quá tải, đảm bảo được các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Ngọc Diệp