Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng chung của ngành Công Thương trong 2021 trước hết phải kể đến lĩnh vực công nghiệp (CN), với tổng giá trị sản xuất đạt 10.823 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ và tăng 3% so với kế hoạch. Khâu đột phá về năng lượng tái tạo (NLTT) được tập trung chỉ đạo đạt kết quả, ngoài các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động đóng góp 6,84% vào GRDP của tỉnh, trong năm 2021 còn có thêm 14 dự án với công suất 648 MW đã hoàn thành, trong đó có 3 dự án điện mặt trời, công suất 200MW; 8 dự án điện gió, công suất 343,7 MW và 3 dự án thủy điện, công suất 104MW. Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) năm 2021 tăng 29,7% so cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,4%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện đạt chỉ số tăng cao với 53,4% so cùng kỳ (trong đó, sản lượng điện gió đạt 565,5 triệu kWh; điện mặt trời đạt 4.244,3 triệu kWh; thủy điện đạt 1.475,1 triệu kWh).
Các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh. Ảnh: H. Lâm
Đối với hoạt động thương mại, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tỉnh đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19, nên tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự chủ động ổn định hoạt động kinh doanh trở lại. Bên cạnh đó Sở Công Thương còn phối hợp xúc tiến kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng chợ nông thôn, triển khai các thủ tục đầu tư 2 chợ: Phương Hải (Ninh Hải) và Ba Tháp (Thuận Bắc); khởi công 1 chợ Trung tâm tại xã Phước Thuận (Ninh Phước); hình thành 1 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nâng tổng số chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh lên 3 chợ; phát triển 3 cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh, nâng tổng số đến nay có 34 cửa hàng tiện lợi (gồm: Bách hóa xanh 24 cửa hàng và Vinmart+ 10 cửa hàng). Phối hợp với các DN tổ chức chương trình bán hàng bình ổn, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo kết nối thông suốt giữa thành thị và nông thôn để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận hàng hóa tiêu dùng một cách thuận lợi nhất. Nhờ đó, đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 24.171 tỷ đồng, đạt 87,9% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ (trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 20.022,5 tỷ đồng, tăng 5,9%).
Đáng ghi nhận, đó là hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các DN không chỉ linh hoạt, thích ứng với khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, mà còn tích cực làm việc với cơ quan y tế để tiêm vắc xin cho người lao động, đồng thời nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường để duy trì hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong năm 2021 còn có một thuận lợi khác, đó là Hiệp định EVFTA xuất khẩu tôm sang EU hưởng thuế 0%; thị trường Mỹ đã khống chế được dịch bệnh, nên các sản phẩm chủ lực như tôm đông lạnh, nhân điều, khăn bông..., thuận lợi về thị trường. Nhờ đó, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 113 triệu USD, tăng 25,6% so cùng kỳ và tăng 13% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Hạt điều nhân ước đạt 30 triệu USD; thủy sản ước đạt 58 triệu USD, tăng 65,7%; hàng hóa khác (thủ công mỹ nghệ, dệt may...) ước đạt 25 triệu USD.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Phan Bình
Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở Công Thương trong năm 2021 cho thấy, không riêng gì sản xuất CN, thương mại, xuất khẩu đạt kết quả tích cực, mà một số lĩnh vực khác do đơn vị quản lý như: Hoạt động khuyến công, quản lý điện năng, thu hút đầu tư dự án, hỗ trợ khó khăn cho DN, "Đưa hàng Việt về nông thôn"…, cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Mục tiêu của Sở Công Thương đề ra trong năm 2022, phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN đạt 12.055 tỷ đồng, tăng từ 17-18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 27.800 tỷ đồng, tăng từ 15-16%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 6% so cùng kỳ năm 2021. Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Sở Công Thương xác định tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động nghị quyết phát triển CN và Nghị quyết phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm NLTT của cả nước. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để từng bước hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các khu CN: Phước Nam, Du Long, Cà Ná và các cụm CN: Quảng Sơn, Phước Tiến để thu hút các dự án thứ cấp. Đôn đốc, nắm bắt tình hình, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sản xuất CN và NLTT đã được chấp thuận đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án các công trình truyền tải và phân phối điện đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh.
Ngoài những giải pháp kể trên, Sở Công Thương còn theo dõi hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước gắn với chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tham mưu triển khai các hoạt động phát triển ngoại thương, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang các nước, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA.... Tiếp tục triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử. Phối hợp thu hút các dự án đầu tư thương mại; thực hiện nhiệm vụ phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu theo danh mục được duyệt; hỗ trợ hình thành, phát triển chuỗi các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh... Trước mắt, thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo tình hình thị trường, triển khai các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đời sống người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Văn Thanh