Chủ động nguồn hàng bình ổn giá

Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp cuối năm 2021 và tết Nguyên đán Nhâm Dần. Sở Công Thương triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm của người dân trong những tháng cuối năm và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 dự báo có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng có phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, tổ chức các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ yêu cầu tiêu dùng trong dịp Tết gồm: 12.420 tấn gạo; 932 tấn thịt heo, bò; 1.035 tấn thịt gà, vịt; 10,3 triệu quả trứng gà, vịt; 342 tấn thực phẩm chế biến; 621.000 lít dầu ăn; 205 tấn đường và 10.000 tấn rau, củ, quả tươi. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết khoảng 20 tỷ đồng.

Siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân. Ảnh: Phan Bình

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh tết Nguyên đán Nhâm Dần là 3 tháng, từ ngày 1-12 đến hết ngày 28-2-2022. Các doanh nghiệp tham gia chương trình phải đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường; phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại khu tập trung các huyện, thành phố, vùng sâu, vùng xa; đồng thời, tuân thủ các biện pháp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Về hàng hóa tham gia chương trình bình ổn là hàng Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định, đảm bảo cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng bình ổn giá trên đường Thống Nhất (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 được hỗ trợ vay vốn lưu động thông qua các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp nhất của mức lãi suất cho vay tại thời điểm thực hiện chương trình để dự trữ hàng hóa bảo đảm nguồn hàng theo kế hoạch; được ưu tiên hỗ trợ mặt bằng để tổ chức các điểm bán hàng bình ổn thị trường; có cơ hội kết nối cung - cầu hàng hóa các thị trường trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao uy tín thương hiệu.

Cũng theo ông Trần Quốc Sanh, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm soát ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trí tuệ, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo đủ số lượng hàng hóa phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh, để bà con yên tâm mua sắm.