Thực trạng hoạt động xuất khẩu
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 12 cơ sở, DN sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản. Trong đó, có 4 DN chế biến thủy sản, gồm: Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Ná, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dalu Surimi và Công ty TNHH Tân Quang. Mặt hàng xuất khẩu của các DN này chủ yếu là chả cá xay, tôm chiên bột, chế biến tôm thương phẩm và thu mua sơ chế cá khô các loại. Số lượng công nhân tham gia lao động sản xuất tại các DN này hơn 1.528 người. Sản lượng hàng xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 11.072 tấn.
Về chế biến nông sản xuất khẩu có 8 cơ sở, DN gồm: Công ty TNHH Phú Thủy, Công ty TNHH Trường Lợi Ninh Thuận - Cơ sở Thuận Hòa, Công ty TNHH Long Sơn - BLB, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát - Ninh Thuận, Công ty TNHH Hoàng Bảo Tường, Công ty TNHH Quốc Bảo Ninh Thuận, Công ty TNHH Global Cashew Links và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Sản phẩm xuất khẩu của các DN kể trên chủ yếu là chế biến nhân điều và sản phẩm nha đam. Các cơ sở này đều có diện tích nhà xưởng rộng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; hằng năm, lượng sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 90.000 tấn.
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận. Ảnh: V.T
Để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra, trong năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và các ngành liên quan tập trung thực hiện nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất; tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, DN. Với tinh thần chung sức, đồng hành cùng tỉnh đẩy lùi dịch COVID-19, các DN không chỉ tăng cường việc giám sát, yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm quy định “5K”; một số DN còn linh hoạt, thích ứng với khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; tích cực làm việc với cơ quan y tế để tiêm vắc xin cho người lao động, đồng thời nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường để duy trì hoạt động xuất khẩu.
Nhờ triển khai kịp thời các hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đến cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 113 triệu USD, tăng 25,6% so cùng kỳ và tăng 13% so với kế hoạch năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Hạt điều nhân ước đạt 30 triệu USD, giảm 14,3% kế hoạch; thủy sản ước đạt 58 triệu USD, tăng 65,7%; hàng hóa khác (thủ công mỹ nghệ, dệt may...) ước đạt 25 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là các nước: Mỹ, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc với sản phẩm xuất khẩu chính là hạt điều nhân; Đức, Nhật, Mỹ, Pháp với sản phẩm chính là tôm các loại và các nước Nhật, Đài Loan sản phẩm chính là khăn bông, hàng hàng thủ công mỹ nghệ...
Gỡ khó để đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch
Nhìn lại hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021 cho thấy, mặc dù chỉ tiêu về giá trị xuất khẩu đã đạt kế hoạch đề ra, nhưng những vướng mắc, khó khăn mà các DN đang gặp phải do dịch COVID-19 gây ra đó là, nguồn nguyên liệu thủy sản từ nuôi trồng thiếu hụt; sản phẩm bán chậm, nợ đọng khó thu hồi vốn; việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu nguyên nhiên, vật liệu, sản phẩm bị hạn chế, tình trạng quá tải hàng hóa tại các bến cảng, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cao. Một nguyên nhân khách quan không kém phần quan trọng nữa đó là, đa phần các DN xuất khẩu trong tỉnh quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chế biến còn thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng; chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn an toàn HACCP, ISO 22000 hiện nay còn cao đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong tỉnh; sức cạnh tranh của các DN còn thấp so với mặt bằng cả nước.
Chế biến hạt điều để xuất khẩu của Công ty TNHH Global Cashew Links. Ảnh: H. Nguyệt
Nhằm hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu, ngày 3-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6577/KH-UBND về đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản sau dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, hiện các sở, ngành, địa phương đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện hỗ trợ DN phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành triển khai hỗ trợ DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản qua chế biến. Tổ chức các hoạt động phát triển thương hiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ Đề án “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2035” đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh thúc đẩy sớm triển khai dự án trung tâm Logistics hạng 2 tại khu cảng tổng hợp Cà Ná...
Đồng chí Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Công Thương xác định trước hết tăng cường việc hướng dẫn, phổ biến cho các DN về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tận dụng các ưu đãi thuế của FTA để tìm kiếm thị trường, đối tác. Cùng với đó, ngành sẽ hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, ổn định và an toàn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa từ các nước cho DN. Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuyên truyền, khuyến khích người dân, DN thực hiện xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, nhất là giai đoạn sắp tới tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu... Tất cả không nằm ngoài mục tiêu cùng nhau gỡ khó để đưa hoạt động xuất khẩu vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Phấn đấu đến cuối năm 2022, đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 120 triệu USD, tăng 6% so với năm 2021.
Văn Thanh