Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Ngành Công nghiệp Qua 30 năm phát triển

Năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, ngành Công nghiệp (CN) tỉnh ta dường như không có gì, nhưng sau 30 năm nỗ lực thực hiện, đến nay đã có những bước chuyển mình ấn tượng, với số lượng dự án đầu tư ngày càng nhiều, đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.

Chủ trương phát triển CN được tỉnh ta quan tâm từ những năm đầu mới tái lập tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó việc phát triển CN đối với Ninh Thuận còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các khu, cụm CN chưa được hình thành nhiều (năm 1998 tỉnh chỉ có 1 Cụm CN Tháp Chàm quy mô 50 ha). Vì thế, mãi đến gần 10 năm sau, vào tháng 8-2004, khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5016/2004/QĐ phê duyệt Đề án Quy hoạch chi tiết Cụm CN Thành Hải (nay là Khu CN Thành Hải), chủ trương đó mới thành hiện thực, đánh dấu sự khởi đầu về phát triển CN của tỉnh ta.

Với khát vọng đưa ngành CN phát triển, xuyên suốt 6 kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh đều chủ trương phát huy lợi thế, tập trung phát triển CN nên đã quy hoạch thêm một loạt các khu CN như: Du Long, Phước Nam...; đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các nhà đầu tư. Mặt khác, tỉnh còn tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước, nhằm huy động nguồn lực phát triển các ngành CN có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện môi trường. Bằng quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 khu và 2 cụm CN đã được thành lập, với tổng diện tích trên 1.830 ha. Trong đó, có 3 khu, cụm CN đi vào hoạt động, gồm: Khu CN Thành Hải, Khu CN Phước Nam và Cụm CN Tháp Chàm, thu hút 43 dự án, tạo việc làm ổn định trên 3.500 lao động. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu CN của tỉnh ngày càng được hoàn thiện.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nha đam. Ảnh: Hồng Nguyệt

Từ Đại hội XII đến nay, tư duy mới về phát triển CN được nâng lên, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm phát triển năng lượng sạch, xem đây là động lực bứt phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cũng được tỉnh quan tâm triển khai, đồng thời kiên trì kiến nghị và được Trung ương ban hành nhiều chính sách quy định ưu đãi ở mức cao nhất trên địa bàn, trong đó đáng chú ý là ngày 31-8-2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP tạo cú hích để tỉnh tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nên đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu, năng lực, uy tín trong và ngoài nước. Năm 2018, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng và lần đầu tiên nằm trong tốp 10 tỉnh có thu hút đầu tư FDI cao nhất cả nước. Năm 2019, thu hút vốn đăng ký đầu tư của tỉnh tiếp tục cán đích 24.000 tỷ đồng, với 34 dự án. Riêng lĩnh vực năng lượng, đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 49 dự án với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện Quốc gia mang lại đóng góp lớn cho ngành CN và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, có 11 dự án điện gió với tổng công suất 666,75MW; 32 dự án điện mặt trời công suất 2.256,85 MW và 6 dự án thủy điện công suất 131,95 MW. Các dự án trên hòa lưới tạo ra sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.285 triệu kWh, tạo ra giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng, tăng 59,8%, đóng góp 6,84% vào tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2021.

Song song với phát triển các khu, cụm CN, phát triển năng lượng, các làng nghề tiểu thủ CN được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch được xây dựng, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc như: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh, đan may tre xã Phước Tiến...; đồng thời, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh như: Nước mắm, rượu nho, thủy sản..., qua đó giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn. Đáng ghi nhận là đến nay một số dự án đầu tư mới, như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt..., đã phát huy năng lực sản xuất rất tốt, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà khá lớn. Cụ thể, nếu ở thời điểm cuối năm 2010, khi các nhóm ngành kể trên chưa đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN chỉ đạt 1.460 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2021 đạt con số 10.823 tỷ đồng, tăng gấp 43,8 lần so với thời điểm năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,9%/năm.

Nhằm tiếp tục huy động có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để phát triển, cơ cấu lại ngành CN theo hướng sử dụng công nghệ cao, hiện đại, quy mô lớn, CN sạch, thân thiện môi trường, tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách; ngày 19-1-2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu giá trị sản xuất CN tăng 17-18 %/năm. Tỷ trọng ngành CN chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh. Tổng công suất các nhà máy điện đưa vào vận hành khoảng 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW). Tỷ lệ lấp đầy các khu CN hiện có đạt từ 50% trở lên... Định hướng đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN (theo giá so sánh năm 2010) đạt bình quân 18%/năm, tỷ trọng CN trong GRDP đạt 40%. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy điện để đạt quy mô công suất 11.800 MW, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.