Tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá các hàng hóa thiết yếu

Trong thời gian vừa qua, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, công tác quản lý, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện hiệu quả, qua đó, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, thị trường trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô thế giới và giá bán lẻ sản phẩm xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, đã xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh. Cùng với đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, nhu cầu về các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ phòng, chống và điều trị COVID-19 tăng cao với những diễn biến bất thường trên thị trường: Nhiều cửa hàng và các shop bán hàng online quảng cáo, bày bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị COVID-19 “xách tay” nhập lậu từ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng và lưu hành...; làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch.

Người dân Ninh Phước đến mua xăng trước khi mặt hàng này điều chỉnh giá. Ảnh: Văn Nỷ

Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng dầu, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh COVID-19, ngày 10-3-2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 978/UBND-KTTH về tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá cả các hàng hóa thiết yếu, xăng dầu và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường theo lĩnh vực phân công, địa bàn phụ trách; đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý. Kịp thời nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá xăng dầu, thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng thiết yếu để định hướng mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân, góp phần giữ bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh.

Đối với công tác quản lý thị trường trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị COVID-19, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nội dung về kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết; không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bán nhằm thu lợi bất hợp pháp; không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, nhất là nhóm các mặt hàng khẩu trang, kit test nhanh COVID-19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19...

Đối với công tác quản lý thị trường xăng dầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động theo dõi, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, phân phối lưu thông, các địa điểm bán lẻ xăng dầu...) để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán hàng không đúng quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn về nguồn cung, trong đó tập trung vào nhóm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, thực hiện công khai danh sách các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động (cả trường hợp dừng hoạt động đúng quy định và không đúng quy định), thời gian dự kiến hoạt động trở lại và các biện pháp xử lý (nếu có); kiến nghị thu hồi giấy phép và giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị thu hồi giấy phép; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các nội dung đã ký kết, không để xảy ra tình trạng đóng cửa, ngừng hoạt động tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà không có lý do khách quan theo quy định...