Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV), trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã huy động tổng nguồn lực cho chính sách giảm nghèo và Chương trình MTQGGNBV trên địa bàn tỉnh là 3.705,24 tỷ đồng.

Trong đó, Chương trình MTQGGNBV là 423.469,37 triệu đồng, chiếm 11,01%; vốn tín dụng 2.338 tỷ đồng, chiếm 60,8%; vốn thực hiện chính sách giảm nghèo khác là 930,927 tỷ đồng, chiếm 24,2%; vốn huy động từ các nguồn quỹ và vận động của các cấp hội là 152,85 tỷ đồng, chiếm 3,97%.

Các nguồn lực huy động được, tỉnh ta đã triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo (HN) dân tộc thiểu số, HN có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo… Nhờ đó, đến cuối năm 2021, tỷ lệ HN của tỉnh giảm còn 4,55%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, HN bình quân chung của tỉnh hằng năm tuy có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ HN vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chiếm khá cao. Cụ thể, HN trên địa bàn huyện nghèo 30a (Bác Ái) có 3.173 hộ, chiếm 40,09%; hộ cận nghèo là 655 hộ, chiếm 8,28%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 3.149 hộ, chiếm 99,24%.

Trong chuyến làm việc với huyện Bác Ái, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phước Đại. Ảnh: T.X

Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, HN vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; ngày 7-3-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 890/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình MTQGGNBV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Đưa tỷ lệ HN theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,5-2%/năm; tỷ lệ HN dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ HN ở huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn kể trên khoảng 729,9 tỷ đồng, trong đó: Huy động từ ngân sách trung ương 640 tỷ đồng; huy động ngân sách địa phương 60,4 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác 65,5 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2022, tỉnh xác định có 7 dự án thành phần để lồng ghép triển khai chương trình giảm nghèo, trong đó: Dự án 1, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong đó trọng tâm xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch,… nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho HN, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng để nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững; hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Dự án 4, nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Dự án 5, hỗ trợ nhà ở cho khoảng 797 HN, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Dự án 6, truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Dự án 7, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chăm sóc cây bắp. Ảnh: Hồng Lâm

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2021-2025. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan liên quan cân đối, bố trí đủ vốn sự nghiệp và có kế hoạch bổ sung vốn cho Chương trình theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Các sở, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình rà soát, xác định địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, hướng dẫn địa phương để tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các chương trình, dự án, đề án khác và nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ngành, địa phương. Các sở, ngành tham gia thực hiện Chương trình nghiên cứu, lồng ghép thực hiện Chương trình với các chương trình, dự án, đề án khác được giao bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo. Các cơ quan thông tin và truyền thông thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu của Chương trình. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, bố trí nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương (nếu có) và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện Chương trình. Phân công, phân cấp trách nhiệm của các cấp và cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở. Tổ chức giám sát, đánh giá và báo cáo thực hiện Chương trình trên địa bàn định kỳ, đột xuất theo quy định.