Góp ý văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029

LTS: Thực hiện Công văn số 2970/MTTQ-BTT ngày 24/4/2024 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về việc phối hợp tuyên truyền và lấy ý kiến góp ý văn kiện Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận lần thứ XI. Từ ngày hôm nay (4/5/2024), Báo Điện tử Ninh Thuận mở chuyên mục “Góp ý văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân góp ý, Báo Điện tử Ninh Thuận đăng toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận khóa X, trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029; Một số vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM

lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

A. Chủ đề Đại hội: ĐOÀN KẾT - DÂN CHỦ - ĐỔI MỚI - PHÁT TRIỂN

B. Tiêu đề Báo cáo chính trị

Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng dân chủ; đổi mới, sáng tạo; thực hiện khát vọng xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

C. Một số nội dung trọng tâm

I. Đánh giá chung kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024: (1) Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (2) Vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. (3) Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. (4) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế; (5) Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trong nhiệm kỳ, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức thành viên; nâng cao vai trò nòng cốt chính trị, mở rộng dân chủ, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới, sáng tạo, đột phá, vượt qua khó khăn, thách thức, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đề ra, nổi bật đã vận động hỗ trợ xây dựng 1.108 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn về chỗ ở (chỉ tiêu đề ra 500 nhà).

Đổi mới mạnh mẽ nội dung, đa dạng hóa phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền; nhất là tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; nắm bắt, tập hợp, phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền những tâm tư, ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tuyên truyền, vận động, giải thích để Nhân dân nhận thức đúng và đồng thuận với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo sự ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và quy định pháp luật; tuyên truyền, vận động, phối hợp hỗ trợ tổ chức thành công Đại hội của các tổ chức tôn giáo hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói người nghèo”, Lắng nghe tiếng nói người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hội nghị thông tin và lắng nghe ý kiến Nhân dân... Phát huy tốt vai trò các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, nhân đạo từ thiện; phát động xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng Hồi giáo Bàni tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tổ chức họp mặt, gặp gỡ động viên các nhân sỹ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, cá nhân có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc; Họp mặt kiều bào và thân nhân kiều bào, Họp mặt đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán. Giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động của Ban Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Liên lạc Đồng hương Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; phối hợp vận động thành lập Hội hữu nghị các nước, xúc tiến thành lập Liên hiệp các Hội hữu nghị tỉnh Ninh Thuận; hỗ trợ thành lập Ban vận động, các Câu lạc bộ thân nhân kiều bào tại các địa phương trong tỉnh.

Các cuộc vận động và phong trào thi đua của MTTQ Việt Nam đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng và động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; đổi mới phương thức vận động các nguồn lực chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023 - 2025. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; công tác giám sát, phản biện xã hội được chú trọng đổi mới, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và thực chất, tập trung vào những vấn đề liên quan đến đời sống của đông đảo người dân, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác thông tin đối ngoại, hoạt động đối ngoại Nhân dân được đổi mới và mở rộng. Việc kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ được quan tâm. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp. Kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã đóng góp có ý nghĩa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch - vững mạnh, đưa Ninh Thuận từ tỉnh nghèo vươn lên thành tỉnh có thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Diễn biến phức tạp, gay gắt của đại dịch COVID -19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, đã chi phối nhất định đến hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp. Nội dung, phương thức phối hợp, thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có lúc, có nơi còn chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời. Chất lượng hoạt động của cán bộ Mặt trận các cấp chưa đồng đều. Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn; một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo còn khó khăn về nhà ở.

II. Bài học kinh kinh nghiệm: (1) Bám sát chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hành động. (2) Trong mọi hoạt động của Mặt trận phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; tôn trọng và phát huy, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân; phải xuất phát và bảo đảm phục vụ lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. (3) Thực hiện tốt vai trò nòng cốt chính trị, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn khu dân cư; xác định đúng và trúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để triển khai thực hiện. (4) Chủ động thực hiện tốt quy chế phối hợp, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động, hướng đến kết quả và các sản phẩm cụ thể. (5) Phải quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Mặt trận, nhất là người đứng đầu có trình độ, năng lực, uy tín, đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, dũng khí, gần dân, lắng nghe và thấu hiểu dân; thật sự là cầu nối tạo sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

III. Mục tiêu, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029

1. Mục tiêu tổng quát: (1) Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Ninh Thuận. (2) Làm tốt vai trò nòng cốt để Nhân dân là chủ, làm chủ; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động tham gia vào quá trình bảo đảm, chăm lo đời sống của Nhân dân, bồi dưỡng sức dân; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Ninh Thuận, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá, khát vọng phát triển quê hương Ninh Thuận ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. (3) Chủ động thực hiện vai trò nòng cốt chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt các hoạt động tự quản cộng đồng; chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện dân chủ, góp phần tạo đồng thuận xã hội; lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm của mọi hoạt động. (4) Đổi mới thực chất, hiệu quả nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ năng lực, phẩm chất, tâm huyết, bản lĩnh, giỏi dân vận và có khát vọng cống hiến.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu: (1) Bình quân hằng năm, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban công tác Mặt trận thôn, khu phố hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. (2) 100% cán bộ, đảng viên trong hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh, 90% đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên và 85% nhân dân được tuyên truyền, học tập các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. (3) Định kỳ tổ chức Hội nghị thông tin và lắng nghe ý kiến Nhân dân; phát hành Bản tin công tác Mặt trận đến 100% Ban công tác Mặt trận khu dân cư; phối hợp duy trì và phát sóng định kỳ hàng tháng chuyên mục “Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và chuyên trang “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên Báo Ninh Thuận. (4) Đến cuối nhiệm kỳ, 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố xây dựng, tích hợp nội dung, giao diện Trang thông tin điện tử trong hệ thống Cổng thông tin điện tử của huyện, thành phố; 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sử dụng thành thạo quản trị Trang cộng đồng (Fanpage) MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp; 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thành phố hoàn thiện phòng họp trực tuyến, kết nối liên thông từ tỉnh đến cơ sở (cấp xã sử dụng phòng họp trực tuyến chung); 100% hồ sơ công việc của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được xử lý trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); 80 - 90 % hoạt động, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện thông qua môi trường số. (5) Hằng năm 100% cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; 100% khu dân cư tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. (6) Đến cuối nhiệm kỳ, mỗi xã, phường, thị trấn có từ 2 đến 3 mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả và 01 mô hình nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường, giao thông nông thôn, tuyến phố văn minh, an ninh trật tự, an toàn giao thông, khuyến học.v.v. (7) Bình quân hàng năm vận động Quỹ “Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đạt trên 16 tỷ đồng; trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng 1.600 nhà Đại đoàn kết, cuối nhiệm kỳ không còn “nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh. (8) Bình quân hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện từ 3 - 4 cuộc giám sát và 3 - 4 hội nghị phản biện; cấp huyện, thành phố từ 2 - 3 cuộc giám sát và từ 2 - 3 Hội nghị phản biện; cấp xã, phường, thị trấn từ 1 - 2 cuộc giám sát và 1 - 2 Hội nghị phản biện. (9) Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Mặt trận, Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ.

3. Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029

3.1. Chương trình 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

3.2. Chương trình 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

3.3. Chương trình 3: Động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.

3.4. Chương trình 4: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

3.5. Chương trình 5: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

3.6. Chương trình 6: Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc./.

Thời gian lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đến hết ngày 30/5/2024.

Các ý kiến tham gia góp ý gửi về địa chỉ: Báo Ninh Thuận, số 279A, đường 21 tháng 8, phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm; hoặc Email: toasoannt@gmail.com.