Vụ đông - xuân 2021-2022 xã Phước Chính triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa, với diện tích 22,5 ha. Thời điểm hiện nay lúa đã xuống giống được hơn 1 tháng, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Chị Chamaléa Thị Hường ở thôn Suối Khô, chia sẻ: Vụ lúa này nhờ có nước hồ Sông Sắt ổn định nên các hộ trên địa bàn xã xuống giống đồng loạt, hiện nay bà con đang tập trung cấy dặm và bón phân đợt 1 cho cây lúa, hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu giúp bà con nâng cao thu nhập. Chị Cao Thị Thanh Huyền, Cán bộ nông nghiệp xã Phước Chính, cho biết: Từ khi triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn xã đến nay cho thấy hiệu quả rõ rệt, qua đó giúp bà con nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Xã cử cán bộ Nông nghiệp thường xuyên bám đồng, bám ruộng hướng dẫn bà con cách bón phân từng giai đoạn hợp lý để lúa đạt năng suất cao.
Nông dân xã Phước Chính chăm sóc lúa.
Trên các cánh đồng trồng mỳ ở các xã: Phước Chính, Phước Đại, Phước Thắng… không khí ra đồng chăm sóc cây trồng của bà con vào mỗi buổi sáng cũng diễn ra rất nhộn nhịp. Ông Pinăng Thao ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, có 7 sào mỳ tâm sự: Vụ mỳ năm nay thời tiết ít mưa hơn năm ngoái nên hom mỳ lên đều, hiện cây mỳ con đã hơn 1,5 tháng tuổi, gia đình đang tập trung làm cỏ và chuẩn bị bón phân cho cây phát triển tốt, hy vọng sẽ có vụ mỳ được giá như năm vừa rồi để bà con có thêm thu nhập.
Vụ đông - xuân này, toàn huyện Bác Ái gieo trồng hơn 1.800 ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa trên 900 ha, cây bắp gần 250 ha, cây mỳ trên 500 ha, rau quả các loại 178 ha… Huyện chuyển đổi 106,5ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn như: Đậu xanh, đậu ván, mè... Hiện nay, các loại cây trồng phát triển tốt, nông dân đang tập trung chăm sóc với kỳ vọng một mùa bội thu. Để bảo đảm năng suất và sản lượng các loại cây trồng, công tác thủy lợi, làm cỏ, bón phân, cảnh báo dịch hại được chú trọng.
Bà Ngô Thị Cúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: Ngay từ đầu vụ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các xã hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi tình hình sâu, bệnh trên đồng ruộng và làm tốt khâu dự tính, dự báo sâu bệnh nên đến nay chưa phát sinh sâu bệnh gây hại. Chỉ có một số diện tích mỳ xuất hiện bệnh khảm lá sắn rãi rác, chủ yếu nguồn nhiễm từ hom giống. Tuy nhiên cây mỳ vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Thời gian tới Phòng tiếp tục cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân cách chăm sóc và phòng bệnh trên các loại cây trồng.
Kha Hân