Hướng tới xây dựng nghề khai thác hải sản có trách nhiệm và phát triển bền vững, năm 2022, Chi cục Thủy sản tiếp tục tập trung các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, hướng dẫn, hỗ trợ tàu cá khai thác vùng biển xa; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá và đảm bảo duy trì thiết bị hoạt động 24/24 giờ; tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên vượt qua ranh giới cho phép trên biển theo quy định của Tổng cục Thủy sản.
Ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam) được mùa biển đầu năm. Ảnh: Văn Nỷ
Báo cáo của Chi cục Thủy sản, những tháng cuối năm 2021, sản lượng khai thác hải sản duy trì ở mức cao, nhưng bước sang năm 2022 tình hình ngư trường không thuận lợi, số lượng tàu tham gia khai thác giảm, sản lượng khai thác 2 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tấn, giảm 34,5% so cùng kỳ. Mặc dù đầu năm gặp khó khăn, nhưng kỳ vọng trong những tháng tới thời tiết thuận lợi, ngư trường sẽ xuất hiện nhiều đàn cả nổi. Tín hiệu đáng mừng, hiện nay đã có 97% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gần 71% tàu có thiết bị dò ngang, rất thuận lợi trong việc chỉ đạo sản xuất, tổ chức sản xuất. Các tổ đoàn kết trên biển được củng cố, đảm bảo bám biển dài ngày từ vùng DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, để giúp ngư dân khai thác có hiệu quả, ngành chức năng, các địa phương vận động các chủ tàu cá chuyển đổi cách ứng phó để giảm thiểu việc tiêu hao nhiên liệu bằng cách kéo dài thêm thời gian bám biển trong những chuyến hành trình khai thác xa bờ, chú trọng các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân an tâm sản xuất trên biển. Phát huy hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, tàu dịch vụ tiếp nhiên liệu trên biển cho các tàu đánh bắt xa bờ để tiết kiệm xăng dầu, ứng phó hiệu quả trước biến động của thị trường. Tăng cường dự báo thông tin ngư trường khai thác vùng biển xa bờ, khu vực Trường Sa, khu vực nhà giàn DK1 để ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, đạt hiệu quả cao. Phân công kỹ sư tham gia cùng với ngư dân ra các ngư trường thuộc vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang để hỗ trợ kỹ thuật khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản và không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Với việc ngành Thủy sản chú trọng tổ chức lại khai thác vùng lộng, vùng bờ; vận động đầu tư trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ ngư dân khai thác vùng khơi, nhất là vùng biển xa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, tin rằng lĩnh vực thủy sản tạo đột phá mới, sản lượng khai thác sẽ đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Anh Tùng