Mùa khô 2011: Nỗ lực đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và chăn nuôi

(NTO) Đến nay, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trước nguy cơ xảy ra hạn hán trong mùa khô năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hạn để đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất vụ hè – thu theo đúng kế hoạch.

Đối với những khu vực đã xuất hiện hoặc có khả năng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ngành Nông nghiệp phối hợp với địa phương và các ngành liên quan thực hiện những giải pháp cấp bách như: kiểm tra, nạo vét các giếng có sẵn và đào, khoan giếng mới; cấp nước lưu động tại những khu vực thiếu nước nghiêm trọng và kéo dài, không có khả năng đào giếng; lắp đặt đường ống tạm thời từ các công trình cấp nước tập trung…

Chủ động di chuyển đàn gia súc đến khu vực có nguồn nước trong mùa khô.

Ông Hán Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu, cho biết: “Để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho bà con thôn Hậu Sanh, chúng tôi đã đấu nối đường ống dẫn nước từ thôn Hữu Đức sang, nên tình hình khá ổn định, đảm bảo đủ nước".

Ông Lê Nhượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: đối với 2 thôn bị thiếu nước của xã Phước Trung là Tham Dú và Đồng Dày, bà con đã chủ động lấy nước từ các thôn khác để dùng. Thêm vào đó, trận mưa chiều 18-5 và việc xuất hiện mưa tiểu mãn ở khu vực Ninh Sơn, Bác Ái thời gian gần đây đã cải thiện đáng kể tình hình thiếu nước tại địa phương.

Song song đó, việc đảm bảo đủ nước uống và thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô cũng là một vấn đề được chú ý. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi di chuyển đàn gia súc đến khu vực có nước, đội ngũ thú y, khuyến nông tại mỗi địa phương còn khuyến cáo bà con dự trữ thức ăn như rơm, cỏ, lá,… khô. Đưa đàn cừu hơn 100 con của gia đình đi ăn đồng, anh Trần Ngọc Trường (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) cho biết: “còn 1 tháng nữa mới mở nước kênh Bắc để sản xuất vụ hè - thu, mình tranh thủ đưa cừu đến ăn đồng, vừa đỡ tốn thức ăn, vừa tận dụng được số rơm rạ khô sau gặt. Phân cừu tốt cho đất nên chủ ruộng cũng rất hoan nghênh”.

Ông Phạm Đình Hải – Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh cho biết: “Mùa khô, gia súc, gia cầm dễ mắc các bệnh như suy dinh dưỡng, tiêu chảy, các bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng,… Do vậy, từ đầu tháng 3, chúng tôi đã triển khai tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Dự kiến, đến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, việc tăng cường giám sát, kiểm tra gia súc, gia cầm từ các địa phương khác chuyển về tỉnh ta cũng được chú trọng, để tránh bị lây bệnh.”

Đối với sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chỉ tập trung gieo trồng những diện tích chủ động nguồn nước tưới theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống đã được khuyến cáo. Do đó, diện tích lúa gieo trồng vụ hè – thu bị cắt giảm còn 12.420 ha (so với hơn 14.000 ha của vụ đông – xuân) để chuyển sang gieo trồng những cây trồng cạn sử dụng ít nước khác như bắp, đậu. Toàn bộ diện tích gieo trồng của huyện Thuận Nam thuộc hệ thống hồ Tân Giang, CK7, Bầu Ngứ, Suối Lớn và 150 ha đất nông nghiệp của thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải – huyện Ninh Hải) thuộc hệ thống tưới hồ Thành Sơn sẽ không xuống giống vụ hè – thu do không đảm bảo lượng nước. Tại xã Phước Hữu (Ninh Phước), toàn bộ diện tích gieo trồng của thôn La Chử và 70 ha ruộng của thôn Mông Nhuận thuộc hệ thống tưới hồ Tân Giang cũng ngưng sản xuất vụ hè – thu. Riêng đối với số diện tích nằm trong hệ thống kênh Bắc đang đóng nước để kiên cố hóa thì lùi vụ sản xuất đến cuối tháng 6.

Để đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và phục vụ sản xuất, việc cân đối, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận) cho biết: “Chúng tôi đã triển khai kế hoạch điều tiết nước cho lực lượng thủy nông tại các địa phương, theo đó, các hình thức tưới luân phiên, tưới đồng thời sẽ được thực hiện xen kẽ, phù hợp với từng xứ đồng, theo đúng lịch chia phiên và có thông báo cụ thể đến nông dân để tiến hành đồng loạt, thống nhất, tránh tranh chấp. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con chủ động trữ nước khi có mưa.”

Tình trạng khô hạn ở tỉnh ta không phải hiện tượng mới mẻ. Do đó, việc nắm rõ đặc điểm mùa khô trên địa bàn, từ đó có hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về người và của mới là điều thật sự có ý nghĩa. Để thiết lập mạng lưới nguồn nước ổn định, lâu dài cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng thêm nhiều công trình thủy lợi, hệ thống nước sạch,… thì việc khai thác một cách hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý các công trình đó cũng rất quan trọng, đặc biệt có ý nghĩa đối với địa phương khô hạn nhất cả nước như tỉnh ta.