Khai thác hải sản thời nhiên liệu tăng giá!

(NTO) Bước vào vụ cá Nam chỉ mới hơn 1 tháng, ngư dân tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh, từ đầu vụ đến cuối tháng 4, toàn tỉnh đã có 1.211 tàu cá nằm bờ, chiếm tỷ lệ 44,7% tổng số tàu cá, trong đó chỉ riêng tàu cá công suất lớn (90 CV trở lên) có 551 chiếc, bao gồm 370 chiếc từ 90 đến dưới 250 CV, 160 chiếc từ 250 đến dưới 400 CV và 21 chiếc trên 400 CV. Tàu cá nằm bờ được cho là do tác động ảnh hưởng của xăng dầu tăng giá.

Các loại cá đáy vẫn được ngư dân khai thác hiệu quả tại Đông Hải.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, tàu cá nằm bờ không chỉ có nguyên nhân trên, thực ra nó còn do nhiều yếu tố khác. Trao đổi với các chủ tàu cá ở các địa phương ven biển, chúng tôi được biết trong 2 tháng qua, ngư trường tỉnh ta không xuất hiện đàn cá nổi nên hoạt động đánh bắt chững lại. Tàu thuyền nằm bờ tập trung vào một số tàu nghề như pha xúc, lưới kéo, lưới vây…, đáng chú ý là chỉ riêng tàu hành nghề pha xúc (chuyên đánh bắt cá cơm, cá nục) đã có đến 433 chiếc (trong đó có 370 chiếc công suất từ 90 CV đến hơn 400 CV), chiếm tỷ lệ 74% số tàu nằm bờ.

Anh Nguyễn Tăng, chủ chiếc tàu 450 CV làm nghề pha xúc kiêm vây rút ở xã Cà Ná (Thuận Nam) cho biết: “Tàu tôi nằm bờ đã hơn nửa tháng, mọi năm vào tháng này là thời điểm thu hoạch cá nhưng vừa rồi với 3 chuyến ra khơi, cá không có nên tôi đã lỗ 9 triệu đồng, thời buổi xăng dầu tăng giá buộc chúng tôi phải tính toán kỹ chỉ ra khơi khi nào biết chắc có đàn cá, nếu không sẽ lỗ vì chi phí nhiên liệu, nước đá và các thứ linh tinh khác đều tăng giá. Hiện đã có hàng loạt tàu ra khơi đánh bắt trở lại vì tháng tư âm lịch mới thực sự là lúc vào vụ khai thác chính”.

Bàn về nguyên nhân tàu cá nằm bờ, Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS nhận xét: “Xăng dầu tăng giá là nguyên nhân chính nhưng không phải là yếu tố quyết định, chúng tôi cho rằng tàu thuyền nằm bờ còn có nhiều lý do như ngư trường không có cá, thời tiết chưa thuận lợi và vì tiết kiệm nhiên liệu khi chưa xác định được luồng cá, điều đó thể hiện rõ nhất ở nghề pha xúc và vây rút, hầu hết tàu không xuất bến chỉ vì đàn cá nổi không xuất hiện”.

Nhiên liệu tăng giá còn dẫn đến điều nghịch lý là trong lúc tàu đi xa bờ “đói” thì tàu nhỏ hoạt động gần bờ làm nghề câu cá mú, nghề mành khai thác tôm hùm con lại đạt hiệu quả cao. Ông Phạm Ngọc Lãng, ngư dân thôn Mỹ Tân 2 (Thanh Hải, Ninh Hải) nói: “Ở đây các tàu lớn đều nằm bờ đợi có cá mới đi còn các ghe xuồng nhỏ vẫn hoạt động bình thường, tôi làm nghề lưới mành gần bờ nên ngày nào cũng đi đánh bắt”. Song khai thác hiệu quả là một chuyện, còn lãi hay không lại là chuyện khác.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ chiếc tàu 25 CV ở Phước Diêm (Thuận Nam) chuyên đi câu cá mú, cá thu ven bờ giải thích: “Có hôm tôi ‘trúng” nhiều cá thu, cá mú lớn rất mừng nhưng khi đem vào bán, trừ chi phí xong lại chẳng lời bao nhiêu, đó là vì giá xăng dầu tăng nhưng giá các loại hải sản cao cấp lại tăng không đáng kể ”. Theo như lời ông, nhiên liệu tăng giá đã làm ảnh hưởng hoạt động khai thác và làm biến động tăng giá hải sản “đầu ra” nhưng chủ yếu là tăng giá các loại cá nổi.

Trước tác động của giá nhiên liệu tăng, việc hợp tác khai thác trên biển được coi là một trong những phương cách hoạt động hữu hiệu. Ông Nguyễn Văn Bông, một trong 5 tổ trưởng tổ hợp tác khai thác trên biển của Phước Diêm, Cà Ná cho hay: “Lợi thế của việc hợp tác lần này càng thể hiện rõ ở việc hỗ trợ nhau tìm ra ngư trường khai thác mới, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Nếu làm ăn cá thể, các chủ tàu phải tự đánh bắt, tự vận chuyển, ra vào như vậy rất tốn nhiên liệu, chưa nói nếu không có cá còn tổn thất nhiều hơn theo giá xăng dầu hiện nay”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, Chi cục KT&BVNLTS đang thực hiện công tác dự báo xa trong tháng và dự báo ngay trong ngày về ngư trường xuất hiện cá để góp phần giúp ngư dân hạn chế chi phí nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đầu vào. Ngoài ra, còn tăng cường bảo vệ rạn san hô để các loại cá nổi, cá ven bờ, cá hệ rạn san hô sinh sôi nảy nở, thu hút đàn cá di cư từ đại dương vào tìm thức ăn, tạo thuận lợi cho việc đánh bắt. Đặc biệt sắp tới chi cục KT&BVNLTS sẽ triển khai mở rộng ngư trường khai thác ra biển khơi (Trường Sa, dàn khoan DK1), tổ chức đi thành từng tốp 10, 20 tàu cá cho các nghề phù hợp ra đánh bắt và tiêu thụ tại chỗ. Anh Đặng Văn Tín nói: “Thời nhiên liệu tăng giá, để tự cứu mình, hơn lúc nào hết ngư dân phải liên kết, hợp tác khai thác trên biển, có như vậy mới có thể vươn ra khơi xa tìm kiếm ngư trường mới”.