Xu hướng này có thể giải thích bởi bối cảnh tháng 5/2011 có một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, đây là tháng có nhiều ngày kỷ niệm lớn (chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, sinh nhật Hồ chủ tịch 19/5…) và đặc biệt là sự kiện trọng đại bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cả nước gia tăng các hoạt động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng; kiểm soát chặc chẽ buôn bán USD; nâng lãi suất huy động và cho vay tín dụng ngân hàng... Vì vậy, các hoạt động bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được tăng cường cả trên phạm vi toàn quốc, cũng như ở Hà Nội.
Riêng ở Hà Nội, chương trình bình ổn giá năm 2011 được triển khai tích cực về cả quy mô (tăng quỹ bình ổn từ 400 tỷ đồng năm 2010 lên mức 475 tỷ đồng năm 2011, kéo dài đến 4/2012) cũng như cách làm là những tiền đề tốt cho việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát.
Hiện tại giá nước sạch, giá vé xe buýt và cước vận tải trên địa bàn Thủ đô sẽ không điều chỉnh.
Thứ hai, là thời điểm nâng lương tối thiểu trong khu vực nhà nước nhưng ảnh hưởng của tăng lương đến thị trường sẽ không lớn. Trong khi đó, một số siêu thị vì quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì uy tín của mình đã mạnh dạn gây sức ép không nhận hàng tăng giá từ các nhà cung cấp. Việc này cũng khiến tạo sức ép xã hội tốt làm tăng quyền lực của người tiêu dùng, giúp hạ giá hàng nói chung.
Thứ ba, thời tiết ấm lên, rau và thực phẩm ngắn ngày thu hoạch nhiều hơn nên giá thực phẩm thị trường có xu hướng chững và giảm xuống. Một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ như thóc gạo, đường, xi măng, thép, phân bón.
Giá gạo thế giới và trong nước tháng 5/2011 ổn định do dự trữ gạo của Ấn Độ và Trung Quốc rất cao; Philippines, Indonesia, Bangladesh đã nhập khẩu gần đủ lượng dự trữ, trong khi nguồn cung gạo từ Thái Lan và Việt Nam khá lớn.
Về tổng thể, việc giá cả hàng hóa có dấu hiệu giảm nhiệt là do cung hàng hóa khá dồi dào. Giới tiểu thương do lo ngại người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên đã giảm giá hàng hóa, kích cầu người tiêu dùng qua một loạt các chương trình khuyến mãi, đặc biệt là trong các siêu thị, các trung tâm thương mại.
Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội như: Big C, FiviMart, Hapro… giá nhiều mặt hàng như đường, trứng, rau củ quả đã ổn định và giảm nhiệt. Hiện tại, giá các loại rau thu mua tại ruộng đều rẻ chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với tại các chợ lẻ.
Một điều tích cực nữa là thị trường ngoại tệ và vàng có xu hướng ổn định và sát với giá thị trường.
Nguồn www.chinhphu.vn