Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng và bảo hộ quyền SHTT cho 21 nhóm sản phẩm. Trong đó, Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm: Nho và cừu; 10 nhãn hiệu tập thể gồm: Rau an toàn Văn Hải, rau an toàn An Hải, gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, măng khô đặc sản Bác Ái, nho VietGAP Văn Hải, heo đen Bác Ái, heo đen và gà Thuận Bắc; 9 nhãn hiệu chứng nhận gồm: nước mắm Cà Ná, dê Ninh Thuận, trái cây Ninh Sơn; nha đam, măng tây, tôm giống, rong sụn Ninh Thuận, chuối hột mồ côi Phước Bình, du lịch Ninh Thuận. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Ninh Thuận có 69 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Đây là những sản phẩm bước đầu tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao cho người sản xuất, kinh doanh.
Sản phẩm OCOP Măng khô và Chuối hột mồ côi Phước Bình (Bác Ái) được người dân tin dùng. Ảnh:Văn Nỷ
Nhìn chung hoạt động tạo dựng, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển đúng mức với tiềm năng cũng như tốc độ và xu thế hội nhập kinh tế của tỉnh, hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền SHTT còn ít, chưa được quan tâm khai thác hiệu quả. Các sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh đã bước đầu được tạo dựng quyền SHTT nhưng chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng... Vì vậy, để triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ các hoạt động về SHTT, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, UBND tỉnh đã ban hành đề án triển khai chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đề án có tổng kinh phí thực hiện hơn 39,2 tỷ đồng nhằm phát triển hệ thống SHTT đồng bộ ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT trong quá trình phát triển các nhóm ngành trụ cột, nhất là các lĩnh vực có sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 40% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường. Đối với quyền sở hữu, tỉnh đăng ký từ 1-2 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mới; có 3-5 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ mới; có 8-10 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng độc quyền; có 13-15 kiểu dáng công nghiệp được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, tỉnh triển khai hỗ trợ đăng ký bảo hộ mới hai giống cây trồng, 5 nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn nguồn gen. Đến năm 2030, phấn đấu có tối thiểu 60% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường; 100% sản phẩm đặc thù của tỉnh được hỗ trợ bảo vệ, khai thác, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền SHTT.
Theo đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác, bảo vệ quyền SHTT, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ quyền SHTT và sản phẩm đã được chứng nhận OCOP. Đồng thời, rà soát, lựa chọn sản phẩm tiềm năng để đầu tư khoa học - kỹ thuật tạo ra các sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng để nâng cấp lên mức độ bảo hộ cao hơn nhằm phát huy tối đa lợi thế của việc bảo hộ SHTT. Tập trung huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có uy tín và chất lượng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có hàm lượng SHTT cao. Tỉnh tăng cường hướng dẫn các đơn vị tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ; gắn việc đăng ký bảo hộ SHTT với thực hiện truy xuất nguồn gốc để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm; xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố, địa điểm du lịch; đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, cá nhân với các tổ chức nghiên cứu; tích cực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp trong khai thác quyền SHTT, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
Anh Tuấn