Năm 2018, ông Mai Liên ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung đầu tư nuôi 15 con bò. Nhờ chăm sóc tốt và có nguồn thức ăn ổn định, nên đến nay đàn bò của gia đình phát triển lên 29 con, thu nhập từ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng/năm. Ông Liên chia sẻ: Trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu thả trên núi không hiệu quả, do nguồn thức ăn thường xuyên thiếu vào mùa khô. Thấy vậy, tôi quyết định cải tạo 5 sào đất ruộng để trồng cỏ voi làm thức ăn tươi cho đàn bò, nhờ đó đàn bò ngày càng phát triển.
Nhiều hộ dân ở Bác Ái mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi.
Ở huyện Bác Ái hiện có nhiều nông dân đầu tư trồng cỏ chăn nuôi bò theo quy mô tập trung. Đơn cử như ông Sầm A Tắc ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại đầu tư trồng 2 ha cỏ voi để chăn nuôi 90 con bò, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Tắc chia sẻ: Tận dụng lợi thế rẫy gần mương nước, tôi quyết định trồng cỏ và chuyển sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi theo hình thức truyền thống.
Huyện Bác Ái xác định chăn nuôi là ngành kinh tế chủ lực, do vậy việc kết hợp giữa hình thức chăn nuôi theo mô hình nông hộ để dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại thời gian qua được địa phương chú trọng, nhờ đó tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện 90.000 con; trong đó, trâu, bò trên 26.000 con, số còn lại là heo, dê, cừu.
Ông Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Chủ trương của huyện là thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng trang trại, gia trại, bán chăn thả. Huyện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, hướng dẫn nông dân trồng cỏ nhằm đảm bảo có nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc; chỉ đạo ngành Thú y tăng cường công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc để người dân áp dụng; tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.
Kha Hân