Linh hoạt khai thác hải sản an toàn
Những ngày cuối năm 2021, tại các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, bến cá Mỹ Tân... hàng trăm tàu công suất lớn của ngư dân trong tỉnh và các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... tấp nập vào bờ bán cá để chuẩn bị đón Tết. Trở về sau những ngày đánh bắt hải sản ở ngư trường Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu... ngư dân tỉnh ta ai nấy đều phấn khởi bởi chuyến biển cuối năm thu được nhiều thành quả. Không khí cuối năm tại các cảng cá nhộn nhịp hơn những ngày thường, tàu công suất lớn cập cảng giao hàng xong khẩn trương tiếp nhiên liệu để ra khơi. Tháng giáp tết Nguyên đán, thời tiết thuận lợi, ngư dân tích cực bám biển, hải sản đánh bắt được nhiều, giá tăng cao, chủ tàu và bạn thuyền được chia lợi nhuận cao, có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Ngư dân Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) khai thác hải sản đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Tín hiệu thị trường đang rất tốt đối với sản phẩm thủy sản, đặc biệt dịp cuối năm các thị trường đều sôi động để chuẩn bị cho tết Nguyên đán. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương không để đứt gãy chuỗi các cung ứng hải sản, đảm bảo các chỉ tiêu về sản lượng khai thác. Ngành Thủy sản áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác hải sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt bảo đảm an toàn dịch bệnh tối đa. Để tiếp sức cho ngư dân vươn ra biển lớn, Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác xa bờ, tổ chức lại khai thác vùng lộng với vùng bờ; chuyển giao các ứng dụng thiết bị hàng hải hiện đại như: Máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy Rada hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực... nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cho ngư dân. Đến nay, 75% tàu cá khai thác vùng biển xa đã đầu tư thiết bị máy dò ngang, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả khai thác. Chi cục Thủy sản cũng đã phân công kỹ sư tham gia cùng với ngư dân ra các ngư trường Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang hỗ trợ kỹ thuật khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản, không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Chú trọng xây dựng các mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển. Các tổ, đội tàu cá khai thác liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển và tăng hiệu quả đánh bắt; đồng thời, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Ngư dân Thuận Nam vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Văn Miên
Trong niềm vui, thành quả bội thu từ biển, ngư dân Thuận Nam ghi nhận sự quan tâm của ngành chức năng, chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng bà con vượt qua khó khăn vươn ra khơi xa đánh bắt có hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná củng cố các tổ, đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá trong hoạt động đánh bắt; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt xa bờ; vận động ngư dân đầu tư nâng cấp các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản và bảo quản sản phẩm sau khai thác, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác. Công tác dự nguồn, thông tin ngư trường cũng được tăng cường, đặc biệt là tổ chức rà soát lại số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ để triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Nhờ đó, hầu hết các tàu công suất lớn đã ra ngư trường Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... để khai thác hải sản.
Nâng cao vị thế tôm giống
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, thì đến nay đã tổ chức thực hiện đạt được những kết quả ban đầu. Để thực hiện mục tiêu, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất tôm giống bố mẹ tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam); sắp xếp, bố trí lại các cơ sở sản xuất giống thủy sản phù hợp với không gian quy hoạch chung của tỉnh; lựa chọn quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Kết quả sau một năm thực hiện, đã có một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư một số hạng mục hạ tầng đường ống cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất tôm giống ở các khu vực đã được quy hoạch; đồng thời, chuyển giao công nghệ nuôi tôm tiên tiến đảm bảo con giống sạch bệnh, năng suất và chất lượng cao. Ông Lê Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cam kết sẽ tham gia đầu tư đường ống lấy nước biển sạch cung cấp cho các khu sản xuất tôm giống chất lượng cao. Một số doanh nghiệp, trường đại học cũng đã đăng ký tham gia đầu tư mở rộng, hoàn thiện hạ tầng các khu sản xuất giống thủy sản, chuyển giao công nghệ nuôi tôm giống tiên tiến cho Ninh Thuận; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Con đường hướng tới xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đang được mở rộng với việc UBND tỉnh đề ra giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, như: Tạo điều kiện thuận lợi về cấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, nước, giao thông, tạo môi trường thông thoáng và ổn định để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất; mở rộng hệ thống thông tin của ngành nuôi tôm nhằm cập nhật nhanh chóng về thông tin, thị trường, giá cả để kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin và nghiên cứu khoa học, nhanh chóng tiếp cận các thành tựu khoa học về lĩnh vực di truyền, chọn giống.
Những ngày giáp tết Nguyên đán, không khí đầm ấm của mùa xuân ngập tràn khắp mọi nơi. Cùng chung niềm vui với các ngành, các cấp, toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đạt được nhiều thành quả trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Thủy sản cũng thu được “quả ngọt”. Sản lượng sản xuất tôm giống năm 2021 đạt 39 tỷ con, vượt chỉ tiêu kế hoạch 9 tỷ con; sản lượng khai thác hải sản duy trì ở mức cao, đạt 124.051 tấn, vượt 3,8% kế hoạch, tăng 4,9% so cùng kỳ. Kết quả đáng mừng này tạo động lực để ngành Thủy sản vững tin bước vào xuân mới, tiếp tục bứt phá đi lên trong năm 2022.
Anh Tùng