Động lực tăng trưởng nông nghiệp
Ðề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035 xác định KH&CN là một trong những động lực cho tăng trưởng, tăng thu nhập, phát triển nông thôn mới. Bám sát định hướng này, năm 2021, Sở KH&CN đã tập trung tổ chức quản lý 36 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 7 nhiệm vụ đã được nghiệm thu chính thức và bàn giao kết quả nghiên cứu cho 5 cơ quan đặt hàng tiếp nhận, triển khai ứng dụng trong thực tiễn.
Các đề tài KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp được nghiệm thu, áp dụng vào thực tiễn góp phần phát triển KT-XH cho tỉnhnhư đề tài “Xây dựng và phát triển mô hình rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng quy mô lớn”, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thâm canh măng tây xanh”… Chương trình KH&CN phục vụ nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh đã thay đổi nhận thức tập quán sản xuất truyền thống, mạnh dạn đầu tư các mô hình hiệu quả, tạo đột phá trong tăng năng suất và lợi nhuận cao, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 600 triệu đồng/ha/năm. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đã được khai thác, phát triển thành hàng hóa, góp phần phát huy được danh tiếng, uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm ở địa phương. Nhiều hộ dân đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử trong các hoạt động kết nối cung - cầu để tiêu thụ hàng nông sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Cán bộ Trung tâm thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưng cất phân tích chất nước. Ảnh tư liệu
Nhờ Sở KH&CN thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, nên đã thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu quy trình công nghệ tiên tiến canh tác các loại cây trồng đặc thù. Đơn cử, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ký hợp đồng với UBND tỉnh thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Ninh Thuận”. Không dừng lại đó, công tác hỗ trợ DN về KH&CN gắn với sản phẩm OCOP và đặc thù của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả. Sở cũng đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất danh mục và kinh phí thực hiện 10 dự án VietGAP năm 2021, ước tính quy mô khoảng 467 ha, kinh phí triển khai khoảng 800 triệu đồng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm đặc thù
Năm 2021, hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng được Sở KH&CN quan tâm, thực hiện, góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường. Sở đã thực hiện hướng dẫn hồ sơ cho 7 lượt cá nhân, DN; tham mưu trình UBND tỉnh đặt hàng Bộ KH&CN 3 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thực hiện trong kế hoạch 2021-2022; phối hợp với Viện Khoa học SHTT hoàn thiện khung nhiệm vụ đề án “Nghiên cứu xây dựng đề án triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cho tỉnh Ninh Thuận” trình UBND phê duyệt chủ trương thực hiện. Tổ chức nghiệm thu 2 dự án SHTT, kết quả dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Thịt bò Ninh Thuận” xếp loại khá, dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Chuối hột mồ côi Phước Bình” xếp loại xuất sắc. Đồng thời, tiếp tục quản lý, theo dõi 2 dự án chuyển tiếp gồm: Dự án “Quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Măng tây Ninh Thuận” và dự án “Xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận” được triển khai đúng tiến độ.
Người tiêu dùng tin dùng sản phẩm Nho, táo sấy dẻo đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Dấu ấn đáng kể hơn là Sở KH&CN đã thành lập Trạm khai thác Thông tin và dịch vụ SHTT tại Ninh Thuận, Trạm IP Platform nhằm tiếp tục hỗ trợ DN SMEs trong việc xác lập, khai thác cũng như bảo vệ quyền SHTT. Trạm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ để phục vụ cho việc vận hành của trạm. Đây là điểm phục vụ và hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp có vai trò quan trọng trong hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ, cung cấp cho SMEs các thông tin liên quan đến tình trạng kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh về các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển các tài sản trí tuệ mới, công nghệ mới có tính sáng tạo, giúp SMEs tiếp cận nhanh hơn, mạnh hơn vào thị trường. Ngoài ra, Trạm IP Platform cũng là nơi tư vấn, cung cấp các dịch vụ về SHTT cho các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh thành lân cận, nhằm giúp cho việc xác lập quyền SHTT trở nên thuận tiện, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn. Có thể nói, hoạt động bảo hộ quyền SHTT đã khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.
Trong không khí rộn ràng, hân hoan, nhân dân trên toàn tỉnh đang háo hức đón chào một mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng. Mùa xuân của đổi mới sáng tạo đang lan tỏa sâu rộng, tạo cảm hứng cho mọi người tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Anh Tùng