Cùng với nhóm ngành năng lượng tái tạo, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Trong năm 2021, bên cạnh sự thuận lợi về thời tiết so với năm 2020, nguyên nhân chính đó là nhờ sự tập trung chỉ đạo điều hành hiệu quả ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với kịch bản phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến thực tế nên các lĩnh vực sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng so với cùng kỳ (cá biệt giá trị sản xuất trồng trọt tăng 15,7% so năm 2020). Đặc biệt thông qua kết nối cung cầu 2020, đã phát huy hiệu quả tích cực, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh đều được tiêu thụ nhanh chóng trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Kết thúc năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,98%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 30,02%, những năm gần đây, cùng với công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, cơ cấu ngành kinh tế có xu hướng chuyển dịch về nông, lâm, thủy sản.
Đưa cơ giới vào thu hoạch lúa ở huyện Ninh Sơn. Ảnh: X.B
Trong trồng trọt, đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ cụ thể, chi tiết từng phương án theo nguồn nước, tổ chức xuống vụ đồng loạt thông qua việc phát huy vai trò của 31 cánh đồng lớn làm mẫu, lựa chọn loại giống mới thích hợp, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (“1 phải, 5 giảm”, bao trái nho, bao lưới giàn táo,…)... và phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng nên lĩnh vực trồng trọt tăng mạnh so năm 2020 cả về năng suất và sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng cho thu hoạch được 81.351,1 ha, tăng 18,6%; sản lượng lương thực 328.085 tấn, tăng 32,1% so với năm 2020. Giá trị sản xuất trên một ha đất chủ động nước ước đạt 132 triệu đồng (kế hoạch đề ra 130 triệu đồng).
Trong chăn nuôi, nhờ phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi nên chủ động được nguồn giống. Đặc biệt mô hình liên kết chăn nuôi heo của các trang trại với Công ty Cổ phần CP Việt Nam và Công ty CJ phát triển mạnh với 54 trang trại tăng 15 trang trại so cuối năm 2020, ... đã tăng đáng kể sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2020. Tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hiện có trên 459.700 con, tăng 1,8%; tổng đàn gia cầm 2,346 triệu con, tăng 12,6%; tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng ước được 33.247,8 tấn, tăng 0,7%. Nông dân đang chuyển dần từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt tại các vùng nuôi tập trung, chủ động nguồn thức ăn và kết nối với doanh nghiệp phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Ngành đã triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, không để xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn giá súc, gia cầm.
Ngư dân phường Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) khai thác hải sản đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Sản xuất thủy sản duy trì ổn định và phát triển. Ngư trường thời tiết năm 2021 khá thuận lợi, bên cạnh đó vào các từ tháng 2 đến tháng 9 sản lượng cá nổi xuất hiện lớn và kéo dài nhiều ngày. Số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm khoảng 80% tàu cá toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác được 124.052 tấn, tăng 4,9%, vượt 3,8%; năng lực tàu cá hiện tại là 2.236 chiếc, tổng công suất đạt 531.565 CV, tăng 4,5% so với 2020. Trong đó, có 97% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gần 71% tàu có thiết bị dò ngang, rất thuận lợi trong việc chỉ đạo sản xuất, tổ chức sản xuất; các tổ đoàn kết trên biển có thời gian bám biển dài ngày từ vùng DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam nên giảm thời gian di chuyển, tăng hiệu quả khai thác…
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Năm 2022, bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu với động lực là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước (cây nho, táo và cây trồng cạn) khoảng 1.300-1.500 ha, trong đó chuyển đổi ít nhất 400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả; tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết cánh đồng lớn tại các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021- 2025; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhân rộng mô hình “Dân làm giàu từ kinh tế rừng”; thực hiện các biện pháp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tiếp tục phát huy lợi thế, áp dụng công nghệ cao, kiểm soát chất lượng chặt chẽ để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất chất lượng cao của cả nước; khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg. Tiếp tục triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc thù có lợi thế; thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường theo hướng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tham gia các sự kiện, hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước để quảng bá các chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể của Ninh Thuận; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản. Có chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi. Hỗ trợ người sản xuất, chế biến áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm VietGAP, HACCP…đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Xuân Bính