Với mong muốn mang đến những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng, giữa năm 2019, anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Phước Tiến. Trang trại nông nghiệp sạch của anh có quy mô 5 ha, trong đó anh đầu tư gần 3 tỷ đồng để làm hệ thống nhà màng phủ nilon với diện tích gần 6.000 m2 trồng các loại cây: Dưa lưới và dưa lê ứng dụng CNC. Bên cạnh đó, anh còn ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, nhằm cung cấp nước vào rễ cây, giúp tiết kiệm 30-60% lượng nước và phân bón thông thường. Tuy vốn đầu tư cao nhưng diện tích này được cách ly với sâu bệnh gây hại, cho sản phẩm chất lượng cao và an toàn cho người sử dụng. Bằng sự kiên trì, chịu khó, mô hình nông nghiệp CNC của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm được bán ở các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Anh Hạnh, cho biết: Thời gian đầu lên vùng đất Bác Ái khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhiều người cho rằng mình sẽ khó thành công với mô hình này. Tuy nhiên, nhờ được UBND huyện tạo mọi điều kiện về mặt bằng và đường giao thông nên việc sản xuất thuận lợi, ngoài ra nhờ sự kiên trì và bằng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân nên hiện tại đã sản xuất được 10 vụ, đưa ra thị trường trên 230 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng.
Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung. Ảnh: Kha Hân
Cũng như HTX Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung, Công ty Hoa lan Trúc Loan ở xã Phước Thắng cũng đang tận dụng những ưu đãi của chính quyền địa phương về thuê đất, thuế trong suốt thời gian hoạt động để phát triển sản xuất. Việc sở hữu quỹ đất sạch rộng lớn cùng nguồn nhân công lao động khá dồi dào và khí hậu có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao chính là lợi thế để các DN, HTX phát triển các giống cây trồng theo hướng ứng dụng CNC. Anh Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Hoa lan Trúc Loan, cho biết: Khi đến đầu tư tại huyện miền núi Bác Ái chúng tôi được huyện quan tâm hỗ trợ rất nhiều, nhờ đó giúp thuận lợi trong quá trình đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, tại đây có nguồn lao động dồi dào, nên việc sản xuất thuận lợi, góp phần giúp Công ty làm ăn ngày càng phát triển đi lên.
Phát triển nông nghiệp CNC là xu thế tất yếu nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Xác định DN có vị trí quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp CNC, những năm qua, huyện Bác Ái luôn quan tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, huyện đã quy hoạch được 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, qua đó đã thu hút được 5 DN đầu tư sản xuất các loại cây trồng như: Dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh..., lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 17 trang trại liên kết với các DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phục tráng một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa chuyển giao cho người dân áp dụng, qua đó giúp nâng cao chất lượng và tăng thu nhập cho các hộ.
Cây bưởi da xanh ở xã Phước Bình (Bác Ái) giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Thời gian qua, huyện quan tâm thực hiện khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, hình thành vùng nông nghiệp CNC, đồng thời tích cực hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận đất đai một cách thuận lợi. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các DN, trang trại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù gắn với hình thành và phát huy hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất. Củng cố, xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với DN tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương.
Nông nghiệp CNC đang tạo động lực phát triển cho huyện Bác Ái. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để nông dân địa phương chuyển từ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa dồi dào, chất lượng, mở ra hướng làm giàu mới.
Kha Hân