Bước vào năm mới 2022, tâm thế của các HTX vững vàng hơn nhờ huy động được nguồn vốn đáng kể để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động hướng dẫn hoàn tất các thủ tục vay vốn ngân hàng của BCĐ tỉnh trong năm qua đã tiếp thêm sức mạnh cho các HTX vươn ra biển lớn. Tính đến ngày 31-12-2021, có 7 HTX được vay vốn với tổng dư nợ 2,45 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay thông thường của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là 2,048 tỷ đồng/4 HTX, chiếm 83,5%; dư nợ cho vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 0,405 tỷ đồng/3 HTX, chiếm 16,5%; dư nợ ngắn hạn 1,65 tỷ đồng, chiếm 67,2%, trung và dài hạn 0,8 tỷ đồng, chiếm 32,8%.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty TNHH FARA Farm ở xã Nhị Hà (Thuận Nam)
triển khai mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao có hiệu quả. Ảnh: Ngọc Diệp
Nhờ giải tỏa được nút thắt về nguồn vốn, HTX Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân đã đầu tư sản xuất lúa gạo VietGAP, quy mô 40 ha. Hoạt động chế biến nông sản của HTX đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển bền vững và có đủ năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Một số HTX khác cũng đã năng động đổi mới hình thức hoạt động, mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tính đến nay, có 29 HTX tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân sản xuất một số loại cây trồng chính như: Lúa, bắp, nho, măng tây xanh, điều hữu cơ. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mỹ Sơn, sản xuất bắp giống theo mô hình cánh đồng liền vùng, liền thửa, liên kết với doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào cánh đồng lớn, với quy mô 570 ha/1.450 hộ.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong năm 2021, các sở, ngành, địa phương là thành viên của BCĐ tỉnh đã hỗ trợ 10 HTX, tổ hợp tác triển khai 10 dự án ứng dụng quy trình VietGAP, với quy mô 467 ha, kinh phí 800 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù cho HTX Sản xuất Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú và HTX Dịch vụ Nông nghiệp, thu mua nông sản Ba Khoa in tem, thiết kế nhãn hiệu sản phẩm táo xanh tươi, táo sấy dẽo, nho xanh tươi, nho sấy không hạt, măng tây xanh tươi, trà măng tây xanh, với tổng kinh phí thực hiện 124 triệu đồng. Hiệu quả từ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của các HTX đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, cho biết, nhờ có sự hỗ trợ triển khai mô hình trồng giống nho NH01-152 của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, sản phẩm nho chất lượng cao của HTX được người tiêu dùng yêu thích..
Tiếp tục tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển, năm 2022, BCĐ tỉnh đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX về đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tư vấn, vốn đầu tư, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, nhân rộng các mô hình hợp tác quốc tế có hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập HTX, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, tổ hợp tác, nhằm nâng cao năng lực quản trị và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ HTX tại tỉnh như KOICA và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), SOCODEVI (Hà Lan) để học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường. Phổ biến nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX điển hình tiên tiến sản xuất gắn với chuỗi giá trị có hiệu quả.
Tuấn Anh