Đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, triển khai mũi bổ sung cho người đủ liều

Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều và gần 68% người tiêm đủ 2 liều. Sáng 5-12-2021, chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đến ngày 15-12 này phải kết thúc cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên; tính toán, xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, công tác tiêm chủng đã được triển khai tại Việt Nam từ tháng 3-2021 cho các đối tượng ưu tiên và mở rộng ra các nhóm đối tượng. Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 123 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều và gần 68% người tiêm đủ 2 liều; một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80-90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Tại cuộc họp ngày 5-12-2021 với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực; việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải đồng bộ, thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả. “Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vắc xin”.

Thủ tướng yêu cầu, đến ngày 15-12 này phải kết thúc cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên; tính toán, xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi nào bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vì không phải loại vắc xin nào cũng tiêm được cho trẻ em như hiện nay...

Trước đó, ngày 2-12, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1662/CĐ-TTg về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vắc xin; quản lý, điều trị người bị mắc COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định, đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất; đồng thời triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã ký ban hành Công văn số 10225/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó, văn bản trên đề cập đến việc tiêm các mũi tiêm vắc xin COVID-19, gồm: Liều cơ bản, liều bổ sung và liều nhắc lại.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó, trước tiên tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 50 tuổi trở lên.

Đối với liều bổ sung, người từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm tiếp mũi này; tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Mũi vắc xin bổ sung này sẽ cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Mũi bổ sung sẽ tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

Đối với liều nhắc lại, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung sẽ tiêm mũi này; tiêm trước cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Quy định về loại vắc xin đối với mũi tiêm nhắc lại như sau: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc mũi bổ sung là cùng loại vắc xin thì mũi nhắc lại là vắc xin cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì mũi nhắc lại sẽ dùng vắc xin mRNA; nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin Astrazeneca). Mũi vắc xin nhắc lại cách ít nhất 6 tháng kể từ mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Theo Công văn số 10255, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề xuất với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định nhóm người sẽ tiêm, căn cứ trên tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng dịch của địa phương, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12-2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin...

Theo Bộ Y tế, tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vắc xin đã tiếp nhận đến hết ngày 3-12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vắc xin phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vắc xin của Cuba, Ấn Độ....

Theo TTXVN