Tại xã Phương Hải, tính đến trưa ngày 29-11, có 393 ha lúa vụ mùa bị ngập, 1.100 con vịt bị nước cuốn trôi, các hộ nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Anh Võ Chí Nguyên, thôn Phương Cựu 1, cho biết: Gia đình nuôi 0,5 ha ốc hương đã đến kỳ thu hoạch. Những ngày qua, do mưa lớn lượng nước đổ về tràn qua ao nuôi nên ốc ngợp và chết, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Mưa lũ cũng làm các đoạn đường trên địa bàn xã sạt lỡ, gây khó khăn cho giao thông. Theo báo cáo của UBND xã Phương Hải, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước khoảng 8 tỷ đồng. Hiện nay xã đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả của mưa lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Bờ tràn sau lưng xã Phương Hải bị nước lớn chia cắt, người dân vẫn chưa vào được khu vực sản xuất. Ảnh: T.Thịnh
* Có mặt tại thôn Mỹ Phong (xã Thanh Hải) trong sáng ngày 29-11, chúng tôi ghi nhận dọc hai bên Tỉnh lộ 702, rất nhiều diện tích hoa màu của bà con bị ngập sâu trong nước, có nơi nước ngập sâu hơn nửa mét. Đang cậm cụi thu hoạch sớm 1,5 sào hành tím trong giai đoạn làm củ, anh Trần Văn Hiền,chia sẻ: Rẫy nhà tôi làm lâu nay chưa bao giờ bị ngập nước, nhưng mấy bữa nay mưa như trút nước, khiến rẫy hành tím bị ngập không còn thấy ngọn, dự kiến khoảng 20 ngày nữa mới thu hoạch mà nước như thế này phải nhổ sớm bán chứ để thì hư hết. Dự kiến nếu không có mưa thì sau khi thu hoạch cũng lãi hơn chục triệu, còn bây giờ chắc chắn lỗ vốn…
Người dân xã Thanh Hải thu hoạch hành tím trong nước lũ. Ảnh: K.Hân
Theo thống kê, tính đến trưa ngày 29-11, toàn huyện Ninh Hải có 439 căn nhà bị ngập khoảng 40cm, trong đó xã Tân Hải 25 căn, xã Nhơn Hải 400 căn, xã Thanh Hải 14 căn. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành di dời 65 hộ/138 khẩu các khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn. Nước lũ cũng gây ngập 553 ha lúa vụ mùa đang giai đoạn làm đòng; 4 ha rau màu các loại và 65 ha hành. Đặc biệt, kênh Bắc ở xã Xuân Hải đã bị sạt lở 20m.
Mưa lớn kéo dài làm 439 căn nhà tại huyện Ninh Hải bị ngập nước. Ảnh: Hồng Nguyệt.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các khu dân cư ven suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt… để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
* Tại huyện Ninh Phước, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, mưa đã làm 235 ha lúa ở xã Phước Hữu và Phước Thuận đang trổ đòng, 55 ha táo trong thời gian thu hoạch của xã Phước Hậu bị ngập.
Tuyến đường giao thông đi thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu bị ngập ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Ảnh: T.Mạnh
Ông Huỳnh Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân. Đối với những vùng trũng thấp thường xuyên xảy ra ngập lụt, các địa phương cử lực lượng xuống địa bàn theo dõi tình hình, có phương án phòng, chống tại chỗ…
* Do ảnh hưởng của rìa phía Bắc rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông, những ngày qua, trên địa bàn huyện Thuận Nam lượng mưa phổ biến từ 50 đến 90 mm đã gây ngập nhiều diện tích cây trồng tại một số địa phương.
Tuyến đường vào xã Phước Ninh bị ngập nước cục bộ. Ảnh: T.Mạnh
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Nam, mưa lớn đã làm ngập cục bộ một số tuyến đường trên địa bàn xã Phước Ninh. Ngoài ra, tuyến đường Văn Lâm – Sơn Hải nước tràn qua đường ngập 10-30 cm; trên 280 ha lúa mới xuống giống được 15 ngày tuổi của xã Phước Nam và Nhị Hà bị ngập.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Theo dự báo trong những ngày tới trên địa bàn hyện tiếp tục có mưa, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, huyện tiếp tục thực hiện Thông báo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về triển khai thực hiện ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các phòng, ban, xã tiếp tục theo dõi tình hinh mưa lũ để triển khai các phương án ứng phó khịp thời; các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức trực 24/24 giờ tại các khu vực xung yếu, những khu vực thường xuyên bị ngập lụt cục bộ để có phương án di dời tài sản, người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, lưu lượng nước tại các hồ chứa để có kế hoạch xả lũ đúng quy trình tránh gây ngập úng ở vùng hạ lưu…
H. Nguyệt – Thanh Thịnh- Kha Hân T. Mạnh