Chị Trần Thị Xuân ở phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Thời gian gần đây thông tin liên tiếp từ Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế rồi đến Đắk Lắk phát hiện các cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất nên tôi cảm thấy rất bất an. Để đối phó với vấn nạn này, tôi chịu khó mang đất lên sân thượng trồng một số loại rau phổ biến như: Cải, dền, rau thơm. Với thịt, cá tôi chọn những mối thân quen lâu năm để mua sử dụng.
Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Bây giờ thực phẩm “bẩn” đang trở thành nỗi lo của người tiêu dùng. Mỗi lần ra chợ phải chịu khó tìm hiểu, lựa chọn. Khi mua hàng, tôi thường xem bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng. Đặc biệt, luôn mua đồ tươi sống, ngay cả trong siêu thị cũng quan sát kỹ và cố gắng dành thời gian tự chế biến nấu nướng, hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh bên ngoài để bảo vệ sức khỏe gia đình.
Chấp nhận giá cao, dậy sớm tự đi chợ chọn lựa, nhờ người thân mua từ quê hay tin tưởng vào các thực phẩm gắn mác “nhà làm”... là vô số giải pháp mà nhiều bà nội trợ đang áp dụng mong tìm được các sản phẩm thực phẩm an toàn. Cẩn trọng là thế nhưng nhiều người thừa nhận thực phẩm “bẩn” chứa hóa chất, vi sinh vật gây bệnh khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc cũng không phải là dễ dàng. Lo lắng thực phẩm “bẩn” một số người thậm chí còn từ bỏ một số món ăn yêu thích sau khi nắm thông tin không đảm bảo ATTP.
Dù có nhiều giải pháp nhưng với nhiều người dân nỗi lo thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm luôn hiện hữu, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay, các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã thành lập các đoàn và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: Thịt, cá, rau, củ, quả, bánh kẹo, mứt, bia rượu, thực phẩm chế biến...
Theo đó, ngày 8/1 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định thành lập đoàn và tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP tại 23 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Từ ngày 14/1, Đoàn Thanh tra của Sở Y tế đã bắt đầu tiến hành việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại 16 cơ sở thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý.
Đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ ngày 1/11/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ông Trần Kiều Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, trong đó có nhóm mặt hàng thực phẩm. Việc kiểm tra không chỉ dừng lại ở các siêu thị, trung tâm thương mại mà còn được mở rộng ra các, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, tuyến phố buôn bán, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm... Đặc biệt, chúng tôi còn chú ý kiểm soát việc kinh doanh trên môi trường trực tuyến như sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... Tính đến ngày 10/1, Cục QLLT đã kiểm tra 87 vụ, phát hiện và xử lý 18 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 69 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa tịch thu là hơn 72 triệu đồng.
Nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, một số hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nỗi lo thực phẩm “bẩn” vẫn luôn hiện hữu. Ngoài việc nâng cao kiến thức trở thành những người tiêu dùng thông minh và cẩn trọng hơn trong mua sắm thực phẩm.
Ngọc Diệp