Tạo động lực phát triển ngành Thủy sản

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, hoàn thành 3 mục tiêu cơ bản thuộc lĩnh vực thủy sản: Khai thác, nuôi trồng thủy sản và đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nghề cá. Qua đó, thúc đẩy ngành Thủy sản phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm chuyển biến bộ mặt nông thôn vùng biển.

Về lĩnh vực khai thác, điểm nhấn là ngành Nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản. Qua đó, năng lực tàu cá thay đổi về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sự tăng đáng kể của tàu công suất từ 400 CV trở lên. Đến cuối năm 2020, tổng số tàu cá toàn tỉnh 2.225 chiếc với tổng công suất 514.741 CV, tăng 238.423 CV và tăng 272 chiếc so với năm 2015. Thành lập 170 Tổ đoàn kết khai thác hải sản, với 1.018 tàu cá có công suất lớn tham gia với công nghệ khai thác hiện đại và thời gian chuyến biển kéo dài có sự hỗ trợ của 85 tàu hậu cần khai thác của tỉnh; thành lập 2 nghiệp đoàn đánh bắt cá tại huyện Thuận Nam.

Qua thực hiện đề án đã có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức khai thác vùng khơi, ngành nghề khai thác có tính chọn lọc cao như nghề lưới vây, mành chụp, câu,... từng bước giảm tàu cá ven bờ và thực hiện tái tạo nguồn lợi hằng năm theo đúng định hướng “phát triển nghề cá có trách nhiệm”. Bên cạnh đó, với những thay đổi đáng kể về năng lực tàu cá và cơ cấu ngành nghề cùng với sự phát triển khoa học - kỹ thuật trong đánh bắt, sản lượng khai thác hải sản tăng dần đến năm 2020 là 118.286 tấn, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân là 8,62%.

Nhân viên Công ty TNHH Giống thủy sản Hồ Trung, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra tôm giống. Ảnh: Phan Bình

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Năng lực tàu cá tăng một phần là nhờ vào ngành chức năng, các địa phương triển khai hiệu quả một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, ngư dân đã đóng mới, cải hoán 43 tàu; huy động nguồn lực trong Nhân dân đã xây dựng đội tàu 775 chiếc có chiều dài 15 m trở lên, công suất 90 CV trở lên với trang thiết bị hiện đại, đủ điều kiện khai thác biển xa.

Đối với sản xuất giống thủy sản đạt được mục tiêu là phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi tập trung xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ việc làm tốt công tác thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, phát triển tập trung tại 2 vùng sản xuất giống tập trung An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải). Đến nay, Ninh Thuận xứng tầm là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước, với 489 cơ sở hoạt động, tổng công suất bể ươm 144.000 m3 được vận hành bởi đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm được đào tạo trong và ngoài nước đang làm chủ các quy trình sản xuất tiên tiến nhất; trong đó, có 2 cơ sở sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ duy nhất cả nước. Sản lượng con giống tăng mạnh hằng năm, đến năm 2020 sản xuất được 42,684 tỷ postlarvae, cao gấp 2,18 lần so với năm 2015. Tôm giống Ninh Thuận có chất lượng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu, được thị trường ưa chuộng, chiếm 30% thị phần cả nước.

Riêng hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu nghề cá cũng được quan tâm thực hiện. Tiêu biểu như Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp bến cá Mỹ Tân lên cảng cá loại II với tổng mức đầu tư 110,6 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế biển. Đồng thời, đã đầu tư cơ bản cảng cá Cà Ná loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, cảng cá Ninh Chữ loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, Cảng cá Đông Hải loại III kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái cấp tỉnh. Về dịch vụ hậu cần nghề cá, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ hoạt động của tàu cá trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, có 6 cơ sở đóng tàu, sửa tàu cá, tăng 1 cơ sở; 87 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, tăng 12 cơ sở; 17 cơ sở sản xuất nước đá, tăng 13 cơ sở so với năm 2015.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, cho biết thêm: Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua các chính sách phát triển thủy sản. Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2021-2025 ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu đầu tư đồng bộ hạ tầng cảng cá; phát triển nghề cá có trách nhiệm; tổ chức quy hoạch chi tiết xây dựng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải quy mô 316 ha, Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải 100 ha thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển nuôi thủy sản thương phẩm trên biển khoảng 1.000 ha. Ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ, nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao tại vùng biển nước sâu gắn với phát triển năng lượng tái tạo trên biển và du lịch.

Có thể nói, từ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy, đã khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển ngành Thủy sản lên tầm cao mới. Cùng với đầu tư các dự án khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, du lịch, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thủy sản góp phần tạo đột phá về phát triển kinh tế biển.