Ngành Nông nghiệp vượt khó ổn định sản xuất

Sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021 gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nên một số mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng cao, đến cuối quý III lại xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, gây thiệt hại cho hộ nuôi. Trong bối cảnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lĩnh vực trồng trọt đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp nhờ các địa phương chú trọng mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng các mô hình có hiệu quả. Tổng diện tích thu hoạch cây hằng năm vụ đông - xuân và hè - thu là 57.336,9 ha, tăng 21% so cùng kỳ, vượt 3,1% kế hoạch. Sản lượng các sản phẩm chủ yếu cũng tăng, chỉ tính riêng lương thực đạt hơn 239.300 tấn, tăng 34,8% so cùng kỳ. Yếu tố tạo đột phá về tăng năng suất và sản lượng cây trồng đó là nhờ ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đơn cử như mô hình cánh đồng lớn được nhân rộng với 30 cánh đồng, tổng diện tích hơn 3.964 ha. Công tác chuyển đổi cây trồng cạn cũng là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được hơn 1.214 ha, vượt hơn 40% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 568,25 ha, đất khác 655,63 ha.

Tổng đàn gia súc trên địa bàn 463.919 con, vượt 10,7% kế hoạch. Ảnh: Phan Bình

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng phát triển bứt phá, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, ổn định thị trường và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Tổng đàn gia súc trên địa bàn 463.919 con, vượt 10,7% kế hoạch; đàn gia cầm 1,942 triệu con, tăng 2,4% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt gia súc hơn 21.130 tấn, tăng 5,9% so cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm 4.950 tấn, tăng 11,1% so cùng kỳ. Đạt được kết quả đó là trong chăn nuôi phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi làm tăng trọng lượng xuất chuồng; chủ động được nguồn giống; đặc biệt mô hình liên kết chăn nuôi heo của các trang trại với doanh nghiệp phát triển mạnh với 54 trang trại, tăng 15 trang trại so với cuối năm 2020 nên đã tăng đáng kể sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với cùng kỳ. Với quyết tâm không để các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, nên khi bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được phát hiện vào cuối tháng 6, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tiêm phòng bao vây tại các địa phương xảy ra dịch với sối lượng 32.250 con, đạt 37,9% kế hoạch diện tiêm. Ngoài ra, các địa phương đã triển khai 3 đợt tiêu độc, khử trùng môi trường với số lượng hóa chất đã sử dụng 8.629 lít Benkocid; kiểm dịch động vật trên cạn được gần 30,1 triệu con, vượt 7% kế hoạch, tăng 12,4% so cùng kỳ.

Một tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là sự gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành Thủy sản. Tình hình ngư trường trong 9 tháng năm 2021 khá thuận lợi, sản lượng cá nổi xuất hiện lớn và kéo dài nhiều ngày trong các tháng 2, 3, 7 và 8. Số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm khoảng 90% tàu toàn tỉnh, các nghề đạt sản lượng cao như: Lưới vây, pha xúc, lưới kéo... với các đối tượng khai thác chủ yếu là cá cơm, cá nục, cá ngừ, cá đổng, cá sơn... Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày, Chi cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cho 746 chiếc; chấp thuận, xét duyệt đơn cho 69 trường hợp cải hoán và 16 trường hợp mua mới tàu; thẩm định 565 chiếc đạt điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá. Cùng với đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư về Luật Thủy sản 2017 và tổ chức cho 906 ngư dân ký cam kết về việc chấp hành các quy định trong hoạt động đánh bắt hải sản. Qua đó, hơn 94% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi trong việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất; các tổ đoàn kết trên biển có thời gian bám biển dài ngày từ vùng biển DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam nên giảm thời gian di chuyển, tăng hiệu quả khai thác. Sản lượng khai thác hải sản gần 112.376 tấn, tăng 4% so cùng kỳ, đạt 94% kế hoạch năm.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Đạt được kết quả nêu trên bên cạnh sự thuận lợi về thời tiết, nguồn nước, nguyên nhân chính là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, xây dựng kịch bản phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến tình hình. Sở đã khẩn trương thành lập Tổ công tác kết nối tiêu thụ nông sản và ban hành phương án để ứng phó với các tình huống xảy ra trong tiêu thụ nông sản. Hiện nay, với công tác thu thập thông tin tổng hợp của Tổ công tác, các đơn vị trong ngành đã kịp thời cung cấp thông tin về tình hình nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, Sở Công Thương; đồng thời, chủ động kết nối với các đối tác tiêu thụ để giải quyết khó khăn cho Nhân dân. Tình hình sản xuất tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh nhờ vậy cơ bản ổn định, không có những đột biến, khó khăn, đứt gãy lớn xảy ra.

Dự báo trong 3 tháng cuối năm vẫn tiếp tục chịu tác động của dịch COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản tác động đến sản xuất nói chung; sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn đầu ra ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khả năng xảy ra bão, lũ các tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh là rất cao, có nguy cơ tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu phát triển sản xuất và đời sống Nhân dân. Để đảm bảo mục tiêu phát triển, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản cả năm tăng 3-4% so với năm 2020, từ nay đến cuối năm Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai theo dõi tình hình tiêu thụ nông sản, có giải pháp kết nối cung - cầu, lưu thông và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19. Chỉ đạo sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cao nhất gắn với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản xuất cánh đồng lớn theo kế hoạch. Triển khai kế hoạch vận động, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa đạt hiệu quả cao.