Tổng giá trị sản xuất các ngành của tỉnh trong 9 tháng tăng 7,3%

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động trong chỉ đạo, điều hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, kết thúc 9 tháng tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh đạt 32.554 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 7,3% là một thành công, là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong tỉnh khi vừa phải thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng có chỉ số tăng cao nhất với 10,4%; tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,9%. Riêng khu vực dịch vụ, do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, nên nhu cầu tiêu dùng, du lịch, vui chơi giải trí của người dân giảm, cùng với nhiều văn bản chỉ đạo tạm dừng một số dịch vụ không thực sự cần thiết đã ảnh hướng lớn đến doanh thu của lĩnh vực này nên chỉ tăng 1%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17.379,2 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên sau 4 năm tăng liên tiếp và là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021.

Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại Siêu thị VinMart.

Đối với hoạt động xuất khẩu, nhờ Hiệp định EVFTA xuất khẩu tôm sang EU hưởng thuế 0%; thị trường Mỹ đã khống chế được dịch bệnh, nên trong 9 tháng tổng kim ngạch hàng hóa đạt 89,2 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 89,2% so kế hoạch năm (100 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, gồm: Thủy sản ước đạt 46,8 triệu USD, tăng 52,9%; hạt điều nhân ước đạt 21,9 triệu USD, giảm 7%; hàng dệt và may mặc ước đạt 19,7 triệu USD, tăng 6,5%. Thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Về mặt bằng giá, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 năm 2021 giảm 0,66%, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại tăng 2,03%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, 1 nhóm hàng không thay đổi và 6 nhóm hàng có giá tăng. Trong 6 nhóm hàng tăng giá, nhóm đồ uống và thuốc lá có chỉ số tăng cao nhất với 1,34%; các nhóm hàng còn lại đều tăng nhẹ, gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05%; nhóm giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân quý III tăng 2,93%. Tính chung 9 tháng CPI tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân tích của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, nguyên nhân CPI trong 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước là do nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong dịp tết Nguyên đán năm 2021 tăng đã làm cho giá gạo trong nước tăng 14,11%, góp phần làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, làm cho giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao, cụ thể: Thịt chế biến tăng 5,33%, trứng các loại tăng 4,99%, dầu ăn và chất béo tăng 6,14%, thủy sản khô chế biến tăng 5,93%, các loại đậu và hạt tăng 4,33%, đường mật tăng 8,86%, bánh kẹo tăng 2,23%... Mặt khác, do nguyên vật liệu đầu vào tăng dẫn đến các loại đồ uống và thuốc lá tăng 3,88%, góp phần làm CPI chung tăng thêm 0,19 điểm phần trăm. Nguyên nhân nữa đó là trong 9 tháng giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới với 7 lần tăng giá, với tổng mức tăng là 109.000 đồng/bình 12 kg, 2 lần giảm với mức 39.000 đồng/bình 12 kg. So với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng đầu năm 2021 giá gas tăng thêm 70.000 đồng/bình 12 kg (tăng 14,72%). Đồng thời, giá xăng, dầu cũng điều chỉnh tăng liên tục với mức tăng 5.020 đồng/lít đối với xăng A95, tăng 3.730 đồng/lít đối với dầu Diezel và 3.980 đồng/lít đối với dầu hỏa. Tính bình quân 9 tháng năm 2021, giá nhiên liệu tăng 23,21% so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài nên khu vực DN tiếp tục gặp khó khăn. Trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 272 DN đăng ký thành lập mới với số vốn 2.313 tỷ đồng, giảm 47,8% số DN và giảm 39,3% số vốn đăng ký so cùng kỳ. Ngoài ra, trong 9 tháng còn có 56 DN giải thể (không tăng không giảm so cùng kỳ) và 133 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 44,6% so cùng kỳ. Trong đó, có 45 DN đã ngừng hoạt động năm 2020, nay tiếp tục đăng ký tạm ngừng trong năm 2021, chiếm 35,3%; còn lại 88 DN khác ở hết các lĩnh vực và chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, DN mới thành lập...

Lý giải cụ thể cho mức giảm này, ông Nguyễn Văn Hương cho biết: Từ tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc phải tạm ngừng hoạt động, chỉ một số ít DN chuyển sang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, trong đó ảnh hưởng nặng nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm từ 70-80%. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là trong việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện nhanh các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021 có 107 DN quay trở lại hoạt động, tăng 50,7% so cùng kỳ; nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến nay lên 3.749 DN, với tổng vốn đăng ký 74.326 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng chiếm 43,1%. Số lao động đăng ký trong các DN mới 1.637 lao động, bằng 50,9% so cùng kỳ. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ DN ngày càng phát huy hiệu quả.