Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 28-1-2019 của UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định toàn tỉnh có 13 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, với quy mô diện tích 4.306 ha. Riêng huyện Ninh Sơn có 3 vùng quy hoạch, với diện tích 790 ha; trong đó, vùng sản xuất nho rượu tại xã Mỹ Sơn 310 ha; vùng sản xuất rau ở xã Lương Sơn 100 ha, vùng sản xuất mía tại xã Quảng Sơn 380 ha.
Triển khai thực hiện quy hoạch, UBND huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng các đề án, mô hình tối ưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp với mục tiêu từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC trên nhiều lĩnh vực; kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC. Đến nay, đã có 9 DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp CNC; trong đó, có 3 DN đầu tư ở lĩnh vực chăn nuôi, 4 DN đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, 2 DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến hàng nông sản. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được các DN áp dụng vào sản xuất như: Trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng; trồng cây trên giá thể; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, quy trình sản xuất nông nghiệp Tốt theo hướng VietGAP.
Nông dân huyện Ninh Sơn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: T.Thịnh
Anh Phạm Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tương Lai Xanh (xã Lâm Sơn) cho biết: HTX đang triển khai trồng thử nghiệm 2 giống dưa lê Bạch Ngọc và dưa lê Hàn Quốc trên diện tích 6 sào. Với thời gian trồng đến khi thu hoạch gần 70 ngày, cây dưa đã cho thu hoạch với năng suất và chất lượng cao. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản phẩm của HTX sau khi phân tích đạt 900 chỉ số an toàn theo bộ tiêu chuẩn của Thụy Sĩ. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng 2 loại dưa này.
Tại xã Mỹ Sơn hiện có nhiều DN đang đầu tư và có ý định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC. Trong đó, Công ty Cổ phần Nắng và Gió là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Trên diện tích 43 ha, Công ty đang canh tác 3 loại cây trồng chính là nha đam, dưa lưới và nho. Riêng sản phẩm dưa lưới của Công ty đáp ứng 5 tiêu chí: Không biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ, trừ sâu, không phân bón hóa học, không chất bảo quản. Mỗi năm sản xuất 4 vụ, mỗi vụ Công ty thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng; đồng thời, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn những năm gần đây đã có bước phát triển khá. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng được nâng lên. Huyện phấn đấu mỗi năm hỗ trợ ít nhất từ 1-2 mô hình ứng dụng CNC, đồng thời tiếp tục duy trì hỗ trợ sản phẩm OCOP được công nhận năm 2020, phát triển thêm mỗi năm có từ 2-3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Hằng năm, huyện lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng.
Thanh Thịnh