Trong chuyến công tác đến huyện miền núi Bác Ái vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi nhìn thấy trên đường đi, nhiều bà con đi rừng mang về những gùi măng non xanh mởn. Đang ngồi nghỉ mát và loay hoay gọt vỏ bẹ măng bên bìa rừng, anh Katơr Minh ở thôn Suối Khô (xã Phước Chính), tâm sự: Hôm giờ trời thường xuyên có mưa vào buổi chiều tối nên măng rừng mọc nhiều, mình tranh thủ buổi sáng đi thả bò lên rừng sớm rồi mang gùi đi bẻ măng luôn. Trung bình một ngày cũng được từ 10-15 kg, hiện tại măng tươi được thương lái mua từ 9.000-10.000 đồng/kg nên cũng giúp gia đình có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Giang ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính sơ chế măng rừng.
Vào đầu mùa mưa, nghề hái măng rừng đã trở nên quen thuộc với bà con ở các xã vùng cao huyện Bác Ái. Hằng ngày, ngoài thời gian làm nương rẫy, chăn nuôi, nhiều bà con còn dành thời gian để lên núi hái “lộc rừng”, công việc tuy vất vả do phải trèo đèo, lội suối để tìm măng, nhưng thu nhập đem lại cũng giúp bà con cải thiện cuộc sống. Do là sản phẩm đặc thù chỉ có ở miền núi nên hiện nay măng rừng của bà con hái về sẽ được các cơ sở thu mua và tiêu thụ hết. Ông Nguyễn Văn Giang ở thôn Suối Khô, chia sẻ: Hiện nay đang là cao điểm của mùa măng rừng, hằng ngày cơ sở tôi có từ 40-50 hộ dân đến bán măng rừng, mỗi ngày thu mua từ 4-5 tạ măng tươi, ngoài măng của bà con trong xã lấy về bán, tôi còn thu mua măng ở xã Phước Bình. Trung bình mỗi ngày bà con cũng kiếm hơn 150.000 đồng. Măng tươi sau khi mua về sẽ được sơ chế, sấy và phơi cho thật khô để bán cho các thương lái xuất đi các tỉnh với giá từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Ông Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, cho biết: Hằng năm cứ vào đầu mùa mưa là bà con lại tranh thủ thời gian để lên rừng hái măng, hiện nay đang trong cao điểm của mùa măng nên trên địa bàn xã có rất nhiều người đi hái măng rừng. Nghề hái măng rừng tuy là phụ nhưng giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Để không xâm phạm vào vùng rừng phòng hộ, địa phương thường xuyên tăng cường tuyên truyền bà con trong quá trình lấy măng không được gây tổn hại đến gỗ, các loại động, thực vật khác, vận động bà con trồng những loại măng có giá trị kinh tế cao tại vùng rừng nhận khoán quản, nhằm tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Kha Hân