Vụ cá Nam được tính từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9 hằng năm, nhưng đối với ngư dân Thuận Nam, mùa cá Nam chỉ thực sự khởi động khi có gió Tây - Nam thổi về, nên có năm vụ cá chính rơi vào thời điểm muộn hơn. Nhưng năm nay, đến đầu tháng 6 mới có gió Tây - Nam thổi về nên nhiều tàu thuyền trên địa bàn đã bắt đầu khởi động vụ cá Nam.
Ngư dân xã Cà Ná tập trung khai thác vụ cá Nam.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 1.000 tàu thuyền, trong đó 350 chiếc có công suất dưới 50CV, 700 chiếc có công suất trên 90CV. Nhờ đó, năng lực khai thác hải sản trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 33.898 tấn, đạt 53,8% kế hoạch năm.
Để giúp ngư dân khai thác hiệu quả vụ cá Nam, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo cho các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná củng cố lại các tổ, đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá trong hoạt động đánh bắt; vận động ngư dân tu sửa, bảo dưỡng tàu thuyền, bổ sung ngư lưới cụ, trang thiết bị để vươn khơi đánh bắt hải sản; phối hợp Chi cục Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt xa bờ. Công tác dự nguồn, thông tin ngư trường cũng được tăng cường. Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức rà soát lại số lượng tàu thuyền tham gia hoạt động đánh bắt trong vụ cá Nam để triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Hiện nay, hầu hết các tàu công suất lớn đã ra ngư trường Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… để khai thác hải sản, các tàu công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng, gần bờ cũng đã vào kỳ hoạt động nhộn nhịp.
Thuyền công suất lớn của ngư dân Thuận Nam khai thác hải sản vụ cá Nam đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Trao đổi với các chủ tàu cá ở xã Cà Ná, Phước Diêm, chúng tôi được biết, vụ cá Nam là mùa đánh bắt quan trọng nhất trong năm đối với bà con ngư dân. Ông Nguyễn Văn Nhàu, thôn Lạc Nghiệp 2, xã Cà Ná, chủ tàu cá hành nghề vây rút chì, cho biết: Theo kinh nghiệm của những ngư dân, khi gió Tây - Nam thổi về một số đàn cá nổi xuất hiện tại các vùng biển nhưng sản lượng chưa nhiều, chỉ yếu là cá cơm, cá nục, cá trích… do đó ngư dân tranh thủ tân trang tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ để đánh bắt vụ cá chính trong năm. Tàu của ông đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi thường kéo dài 5-7 ngày mới vào bờ 1 lần, vì vậy mỗi chuyến ra khơi phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt trong vụ cá Nam, di chuyển phải “trúng” luồng cá mới có lãi. Bên cạnh một số tàu vươn khơi đánh bắt, thì đa số các tàu thuyền tuyến lộng và tuyến bờ đã xuất hành những chuyển biển vụ cá Nam đầu tiên.
Những ngày này, tại Cảng cá Cà Ná, tàu thuyền ra vào tấp nập. Tuy lượng hải sản khai thác đầu vụ cá Nam chưa được nhiều, nhưng hầu hết các tàu ra khơi tuyến lộng, đánh bắt gần bờ đều có lãi. Ngư dân Nguyễn Văn Đủ, chủ tàu cá có công suất 90 CV làm nghề pha xúc ở thôn Lạc Nghiệp, cho biết: Đầu tháng 6 tàu của gia đình đã xuất hành vụ cá Nam. Sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt từ 3-5 ngày, bình quân 1 tàu đánh bắt đạt sản lượng từ 3-5 tấn cá cơm. Với giá bán giao động từ 12.000-15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng/chuyến.
Có thể nói, tuy mới vào đầu vụ cá Nam nhưng đã cho tín hiệu lạc quan, mở ra hy vọng mới cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân huyện Thuận Nam. Để sản lượng khai thác đạt cao, huyện tiếp tục vận động ngư dân vươn khơi bám biển, mở rộng ngư trường tuyến khơi, áp dụng một số công nghệ tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt tại các ngư trường trong và ngoài tỉnh phù hợp cho từng loại ngành nghề. Đặc biệt là tổ chức liên kết khai thác trên biển để tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tiến Mạnh