Phát huy lợi thế nuôi, trồng thủy sản trên biển bền vững

Tỉnh ta có dải bờ biển dài trên 105 km, ngoài cảnh quan hấp dẫn để phát triển du lịch biển còn có lợi thế về nuôi, trồng thủy sản trên biển cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nuôi, trồng thủy sản trên biển vẫn chưa phát huy được tiềm năng, cần được nghiên cứu định hướng để phát triển mạnh và bền vững.

Nghề nuôi chưa bền vững

Tận dụng vị trí mặt nước các vùng biển êm trong đầm, vịnh gần bờ, người dân đã đầu tư các lồng bè nuôi thủy sản. Hầu hết các bè nổi được đóng từ các thanh gỗ, cột chặt với các thùng phuy nhựa làm phao đỡ. Các lồng nuôi được cột bằng dây thừng, dây thép chằng níu vào bè hoặc thả chìm xuống nước. Trên bè có dựng chòi để người nuôi ở lại bảo vệ tài sản và chăm sóc hải sản. Việc nuôi thủy sản lồng bè trên biển chủ yếu còn mang tính tự phát, thiếu ổn định nên ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa gió bão, các bè không đủ sức chống chịu sóng lớn, dễ bị va đập hư hỏng, thiệt hại và thiếu an toàn.

Người dân di chuyển lồng bè về khu vực rạn Tây Giang, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
để tránh gió Tây Nam, ảnh hưởng đến môi trường phát triển du lịch.

Đơn cử, tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ có trên 100 bè nuôi thủy sản, với hơn 2.000 lồng nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim của người dân các phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Mặc dù đã được bố trí nuôi tại vùng quy hoạch C1, C2 có diện tích mặt nước rộng 760 ha (thuộc vùng biển xã Thanh Hải, Ninh Hải), nhưng từ cuối tháng 3 (đầu mùa gió Tây - Nam năm nay) người dân đã phải kéo bè nuôi về khu vực rạn Tây Giang, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) để neo đậu tránh sóng. Một số bè, không neo đậu đúng vị trí trong phạm vi các mốc giới đã được xác định trước đây, nằm ngoài hành lang biển và kéo dài về phía Bắc làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển du lịch và nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực bãi tắm. Nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định về chủ trương của tỉnh về nuôi trồng, thủy sản, chính quyền địa phương đã vận động các hộ nuôi di dời lồng bè ra khỏi khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ về vùng nuôi C1, C2; tuy nhiên người dân không đồng ý và kiến nghị cho phép được neo đậu tạm thời để tránh gió Tây-Nam đến cuối tháng 9-2021, hoặc đến khi thu hoạch, bán hết hải sản.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trên biển. Tuy nhiên, lâu nay, ngư dân trong tỉnh vẫn chủ yếu nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, công nghệ lồng nuôi lạc hậu, không chịu được sóng gió lớn. Hầu hết trong số đó đang ứng dụng công nghệ nuôi cũ, manh mún, sử dụng thức ăn tươi dễ gây tác động đến môi trường, cảnh quan du lịch và chưa bền vững.

Cần có giải pháp căn cơ

Nuôi, trồng thủy sản là nghề đang được khuyến khích phát triển, tuy nhiên việc người dân phát triển tự phát như hiện nay làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái và khó khăn trong tránh trú cho lồng bè khi có thiên tai xảy ra. Chủ trương phát triển ngành Thủy sản là chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động nuôi, trồng, khai thác hải sản bền vững, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, cần xác định được các vấn đề cốt yếu liên quan đến định hướng đối tượng, công nghệ phù hợp với từng vùng nuôi; xác định giải pháp đầu tư, nguồn vốn; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp mang tính bền vững để có thể phát triển nuôi biển xa bờ quy mô lớn.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: Trong năm 2020, ngành đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện thành công mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng công nghệ lồng HDPE tại vùng biển tại vùng biển C1, C2. Trên cơ sở đó, xác định công nghệ nuôi biển bằng lồng HDPE từ Na Uy là phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, có thể nhân rộng mô hình, giúp người nuôi ổn định tại các vùng nuôi được quy hoạch trong thời gian tới; đồng thời là cơ sở tham gia thực hiện Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do đó, để nghề nuôi trồng thủy sản trên biển ứng phó với thời tiết bất lợi, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, để người dân có điều kiện vay đầu tư mua lồng bè nuôi cải tiến, bởi hiện giá của loại lồng nuôi này còn khá cao, khoảng 400 triệu đồng/lồng. Nếu được áp dụng nuôi thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai và hướng tới nuôi biển bền vững.

Tại cuộc họp các ngành, địa phương về tình hình nuôi, trồng thủy sản lồng bè tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương cần căn cứ các quy định, định hướng phát triển để nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Cần rà soát, bổ sung quy hoạch, sắp xếp khu vực nuôi phù hợp làm cơ sở tiến hành giao hoặc cho thuê khu vực biển và đảm bảo cho người dân địa phương hoạt động nuôi, trồng thủy sản trên biển theo đúng quy định. Tiến hành khảo sát, lựa chọn khu vực biển phù hợp để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nuôi biển, gắn với chế biển, xuất khẩu trong thời gian tới. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân có hướng chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp để nuôi ổn định trên vùng biển đã được quy hoạch, đầu tư lồng bè theo công nghệ mới HDPE và thực hiện liên kết tổ cộng đồng. Cùng với đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ vay vốn để người dân có điều kiện đầu tư các mô hình nuôi trên biển bền vững.