Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có từ 3-5 vùng nông nghiệp CNC đáp ứng các tiêu chí công nhận; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 1.000 ha, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tạo điều kiện thuận để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp CNC.
Hướng tới đạt mục tiêu, tỉnh đề ra phương châm nhất quán là lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là hướng đúng, tạo động lực mới cho nông nghiệp phát triển bền vững. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông, sở đã phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện, ban hành các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất những cây, con có lợi thế ở địa phương, tạo sản lượng hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nếu như trước đây, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp một số khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, quy hoạch đất đai, thị trường tiêu thụ, thì tới đây sẽ được tỉnh hỗ trợ khai thông bằng cách bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh tương ứng từ 8-10% giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp để thực hiện. Các tổ chức, cá nhân đầu tư trong vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã quy hoạch như: Vùng sản xuất giống thủy sản An Hải, vùng sản xuất rau an toàn An Hải (Ninh Phước), vùng sản xuất nho VietGAP Vĩnh Hải (Ninh Hải)... được hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai và các ưu đãi khác theo quy định.
Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ Khoa học - công nghệ tỉnh trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh. Ảnh: V.M
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chính sách của Trung ương như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh để các doanh nghiệp đầu tư. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC. Tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đồng hành hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tham gia hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại đang được hiện thực hóa bằng những việc làm thiết thực. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp CNC, những hạn chế về hạ tầng tại các vùng sản xuất trước đây chưa được đầu tư đúng mức sẽ sớm được khắc phục. Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, tỉnh sẽ tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương và lồng ghép các nguồn vốn hợp tác khác để đầu tư kết cấu hạ tầng khu, vùng nông nghiệp CNC. Tiếp tục đổi mới phương thức huy động và phân bổ, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Phát triển các hình thức liên kết công tư để nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, khoa học - công nghệ, phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản chủ lực. Trước mắt, ưu tiên đầu tư đồng bộ Dự án Mở rộng vùng sản xuất giống thủy sản CNC An Hải và Nhơn Hải trên cơ sở nhà nước và Nhân dân cùng làm, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là xu hướng tất yếu, là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Với chủ trương, định hướng đúng, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong chủ động đề ra các giải pháp hiện thực hóa nội dung Nghị quyết, kỳ vọng tỉnh ta sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Anh Tùng