Bài 1: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao (CNC) gắn với công nghiệp chế biến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tham mưu UBND tỉnh đề ra các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đủ mạnh để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư nhằm tranh thủ nguồn vốn, làm hạt nhân sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII), việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn tỉnh được thực hiện mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng quy hoạch và hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con có năng suất và chất lượng tốt. Một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh đang tiếp cận ứng dụng CNC để phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nắng và Gió. Ảnh: Văn Nỷ

Qua báo cáo của Sở NN&PTNT, kết quả triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2016 đến nay đạt được nhiều kết quả, tiêu biểu là công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chuyển biến tích cực. Đơn cử, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố nghiên cứu, chọn tạo thành công giống nho ăn tươi NH01-150 có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng cao. Công ty TNHH Moana, Công ty TNHH Việt Úc sản xuất, gia hóa tôm sú và tôm thẻ chân trắng phục vụ sản xuất theo hướng CNC, an toàn sinh học.

Lĩnh vực ứng dụng quy trình công nghệ, CNC vào sản xuất cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất ở những vùng khô hạn với diện tích 1.500 ha. Các ứng dụng công nghệ thâm canh sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nuôi tôm trên cát, ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trong trồng nho, táo, dưa lưới cũng đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương trong tỉnh đã biến nắng, gió thành lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, một số sản phẩm đặc thù của tỉnh như nho, táo, măng tây xanh, tôm giống... đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường. Thực tế, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình CNC cho giá trị sản xuất trên 1 ha đạt 300 triệu đồng/năm, một số mô hình như trồng dưa lưới, măng tây xanh đạt trên 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, thủy sản cũng có nhiều khởi sắc. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư đổi mới đồng bộ hóa thiết bị công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao như dây chuyền sản xuất các sản phẩm rau câu, nha đam. Công nghệ bảo quản nho, chế biến vang nho; công nghệ sấy lạnh, ly trích hoạt chất, sấy phun trong chế biến tạo nhiều sản phẩm giá trị cao cũng dược các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Đạt được kết quả, một phần nhờ tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua thực hiện Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến đầu năm 2021 các doanh nghiệp đã đầu tư triển khai 15 dự án nông nghiệp CNC. Việc UBND tỉnh ban hành kịp thời Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã đóng góp tích cực trong phát triển các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ mới bước đầu, quy mô nhỏ lẻ, chưa đóng vai trò trung tâm cho hoạt động ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Hiện đa phần nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh là nhỏ và vừa, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư làm hạt nhân để gắn kết với doanh nghiệp địa phương, nông dân chuyển giao CNC trong nông nghiệp và đưa các sản phẩm ra chuỗi phân phối trên cả nước và xuất khẩu. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, nhằm tạo ra những đột phá mới .

------------
MỜI XEM TIÉP KỲ SAU
Bài cuối: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao