Điểm sáng nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021

Ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Giám đốc, đơn vị trực thuộc. Với việc điều hành, chỉ đạo có hiệu quả, 6 tháng đầu năm 2021 lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc.

Dưới chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sản xuất trở thành điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 5.585 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm 2020.

Đạt được kết quả, đó là nhờ ngành Nông nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khái hậu. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai chương trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng.

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: V.M

Từ chỗ các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất mới tiếp tục được đầu tư, nhân rộng, tạo chuỗi giá trị gia tăng. Điển hình như mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Nhị Hà (Thuận Nam) và xã Mỹ Sơn (Ninh sơn); mô hình nuôi cá bè vàng trên biển hai giai đoạn bằng lồng HDDE cho thu nhập cao.

Nửa năm 2021 có bứt phá về cơ cấu lại cây trồng. Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh kế hoạch gieo trồng từng vụ gắn với chuyển đổi cây trồng và chỉ tiêu xây dựng cánh đồng lớn. Nhờ đó, vụ đông - xuân 2020-2021 chuyển đổi cây trồng được hơn 557 ha, vượt gần 18% kế hoạch; duy trì và xây dựng 30 cánh đồng lớn, góp phần tăng giá trị sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt hơn 1.684 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì chuỗi giá trị sản xuất dê, cừu, heo gắn với tiêu thụ sản phẩm .

Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch táo. Ảnh: Kim Thùy

Đối với cơ cấu lại thủy sản, kết quả đáng kể là Sở NN&PTNT đã triển khai giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân đầu tư thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm đánh bắt trên biển. Tính đến đầu tháng 6, có 713/744 tàu khai thác xa bờ gắn thiết bị giám sát hành trình, đạt 92%, đưa tỉnh ta thuộc vào nhóm tỉnh đạt tỷ lệ tàu gắn giám sát hành trình cao của cả nước. Công tác quản lý dữ liệu giám sát hành trình tàu cá thông qua trực ban 24/24 giờ; quản lý chất lượng tôm giống cũng được quan tâm thực hiện. Đã giao 5.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc kết hợp với Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” cho Công ty Cổ phần Đầu tư S6 áp dụng thử nghiệm trước khi sử dụng rộng rãi trên thị trường.

Riêng cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp, điểm sáng là Sở NN&PTNT phối hợp kiểm tra ngoại nghiệp khu vực thiết kế và tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán các công trình trồng rừng thay thế với tổng diện tích hơn 289 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng chuyển tiếp với diện tích hơn 3.000 ha thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Đặc biệt, qua thực hiện các mô hình sinh kế nông - lâm kết hợp gắn với bảo vệ rừng đã huy động được cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng có hiệu quả. Đã tổ chức 990 đợt kiểm tra, truy quét chống phá rừng với 5.382 lượt người tham gia, qua đó xử lý 109 vụ phá rừng, thu nộp ngân sách hơn 325 triệu đồng.

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn có những khó khăn, nhất là do tác động dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra của các sản phẩm, một số mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng. Trước những thách thức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 7-8%, Sở NN&PTNT đề ra giải pháp nhân rộng các mô hình sản xuất mới áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng. Tiếp tục chuyển đổi hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 1.500-2.000 ha cây trồng cạn có hiệu quả; hỗ trợ xây dựng mô hình cánh đồng lớn; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị nông sản.