Toàn tỉnh hiện có hơn 17.388 ha lúa, 1.261 ha nho, 1.012 ha táo, 4728,3 ha điều, 3.345,9 ha rau các loại. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi gia súc, với đàn bò 120.120 con, heo 114.115 con, dê 123.120 con, cừu 107.020 con. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn bấp bênh, vì vậy ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tìm các giải pháp tiêu thụ nông sản bền vững.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên giá nho tươi hiện nay giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập nhiều nông hộ. Ảnh: Văn Nỷ
Thực tế cho thấy, 2 năm gần đây tỉnh ta không chỉ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà ngay cả khi vào vụ thu hoạch nhiều nông dân đã rơi vào cảnh được mùa mất giá, không liên kết được với các đơn vị tiêu thụ, đành phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ như dưa hấu, hành tím… Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Việc tích tụ đất để hình thành vùng sản xuất tập trung của các DN, HTX, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn. Một nguyên nhân nữa là do sản xuất nông nghiệp chưa theo nhu cầu của thị trường, phần lớn nông dân chưa quen thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa áp dụng các khoa học - kỹ thuật vào canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy chưa tạo được mối liên kết giữa nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên một số nông sản khó tìm đầu ra.
Thời gian qua, Sở Công Thương thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các DN, HTX, hộ nông dân trong kết nối, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối “cung - cầu” hàng hóa, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh qua các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Bà con HTX Tuấn Tú (Ninh Phước) sơ chế măng tây chuẩn bị giao cho công ty thu mua.
Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, cho biết: Cùng với Sở Công Thương và các đơn vị khác trong tỉnh, Co.opmart Thanh Hà ưu tiên liên kết với các HTX, cơ sở, hộ nông dân tại địa phương, hiện siêu thị tiêu thụ mặt hàng rau, củ, quả của các cơ sở: Nguyễn Đức Ngà, Nguyễn Văn Trinh, hộ nông dân Nguyễn Linh, ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm). Để các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn nữa và tạo được sức cạnh tranh với các tỉnh bạn thì đòi hỏi nhà cung cấp, HTX, hộ nông dân phải có quy trình, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và tạo sự yên tâm cho khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các DN tiêu thụ ngay từ đầu.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội địa, riêng hạt điều chủ yếu xuất khẩu, sản phẩm nha đam xuất khẩu số lượng nhỏ sang một số nước lân cận. Do dịch COVID-19 nên hiện nay gặp khó khăn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản bị chậm lại so với quý I-2021; giá bán một số mặt hàng nông sản như: Nha đam, măng tây xanh, táo bị giảm, các sản phẩm chế biến như: rượu vang nho, nho sấy, táo sấy, mật nho mức tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, sản xuất nông nghiệp chưa vào vụ thu hoạch chính nên sản lượng nông sản chưa nhiều, do đó không có nông sản tồn đọng. Bên cạnh đó, các sản phẩm gia súc, gia cầm chỉ tiêu thụ nội địa có giá tương đối ổn định; biến động tăng, giảm lên xuống nhẹ đối với thịt bò, dê, cừu, gia cầm, nhưng không đáng kể. Riêng sản phẩm thịt heo nhờ áp dụng nhiều biện pháp bình ổn giá, nguồn cung được đảm bảo nên giá heo hơi ít biến động. Vì vậy, không có tồn đọng về tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trong thời điểm hiện tại, so với cả nước tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh ta vẫn chưa đến mức cần hỗ trợ. Sản lượng nông sản vẫn chưa vào vụ thu hoạch nên không tồn đọng. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; tập trung kết nối “cung - cầu”, nâng cao chất lượng, tăng giá trị nông sản giúp nông dân vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại… Để tập trung tháo gỡ các khó khăn, trong thời gian tới, ngành rà soát lại kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và hình thành chuỗi liên kết với các DN để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra. kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho nông dân. Đồng thời, các DN, HTX cũng phải đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các bộ, ngành trung ương trong triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Hồng Nguyệt