Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1, H7N9,... gây nên. Trong đó, cúm A/H5N1 và A/H7N9 thường lưu hành ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm sang người. Cúm A thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường.
Bệnh cúm A do virus hiện chưa có thuốc đặc trị, do đó tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc-xin cúm giúp tạo kháng thể chủ động bảo vệ lên đến 97%. Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc-xin cúm càng sớm càng tốt, tiêm nhắc lại cúm hàng năm để phòng bệnh dịch (vì vắc-xin cúm chỉ có hiệu lực phòng bệnh trong vòng 1 năm). Phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu nếu nhiễm cúm B, người mẹ có khả năng sinh non hoặc sẩy thai, do đó phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm vắc-xin ngừa cúm để bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh.
Ngoài biện pháp đặc hiệu là tiêm vắc-xin, cần thực hiện một số biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc sát khuẩn tay nhanh, vệ sinh mũi họng hàng ngày, mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là không gian sống của mỗi cá nhân và gia đình. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)