Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn mới

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-11-2016 của Tỉnh ủy về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực.

Tiêu biểu là hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô tập trung, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thí điểm các mô hình sản xuất giống cây, con, có năng suất và chất lượng cao, một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh đang tiếp cận ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản phẩm hàng hóa.

Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) trồng nho trong nhà màng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tiến Mạnh

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khâu đột phá đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, đó là lĩnh vực nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Cụ thể, Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chọn tạo, nhân giống thành công giống nho ăn tươi NH01-152 chuyển giao cho nông dân sản xuất có hiệu quả. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố sản xuất các loại giống bắp lai, lúa, phục tráng và chọn lọc heo đen, heo đen lai heo rừng, nâng cấp chuỗi giá trị heo cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Đại và Phước Tiến (Bác Ái). Tại vùng sản xuất tôm giống bố mẹ sạch bệnh Sơn Hải (Thuận Nam), Công ty TNHH Moana, Công ty TNHH Việt - Úc tiến hành nghiên cứu, sản xuất, gia hóa (domestication) tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ phục vụ sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, an toàn sinh học. Không dừng lại đó, Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (Sở NN&PTNT) đạt được những kết quả đáng kể trong sản xuất các đối tượng giống mới như: hàu Đại Dương, các loại cá nước ngọt và nước mặn.

Đối với chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đáng kể là công nghệ tưới tiết kiệm nước được nhân rộng trên toàn tỉnh, với tổng diện tích 1.500 ha cho các loại cây trồng cạn, như: nho, táo, cỏ chăn nuôi và rau màu các loại. Từ năm 2018 đến nay, công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ sinh học áp dụng trong trồng trọt và chăn nuôi trở nên phổ biến, đã hạn chế tối đa dịch bệnh, ôn nhiễm môi trường. Để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm, một số DN đã đổi mới đồng bộ thiết bị, công nghệ chế biến sản phẩm. Đơn cử, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đã thành công trong ứng dụng công nghệ bảo quản măng tây xanh tươi đến 20 ngày, chế biến trà măng tây xanh.

Sản phẩm măng tây xanh và trà măng tây của Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận. Ảnh: V.M

Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, qua thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, đã thu hút được nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp CNC, đóng vài trò “trụ cột” trong việc đưa nông sản của tỉnh vào chuỗi giá trị toàn quốc. Đồng hành với DN, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ DN về khoa học và công nghệ, tập trung vào mục tiêu phát huy tính hiệu quả của liên kết “4 nhà” để tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu, thực hiện, sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Qua 5 năm, chương trình đã triển khai hỗ trợ 180 DN hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển thị trường công nghệ, đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị DN thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến…

Nhờ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, nên đã thu hút được nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp CNC. Đến cuối năm 2020, có 15 dự án đầu tư, trong đó có một số dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, như: Dự án “Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh” triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái), quy mô gần 35 ha, đã trồng bưởi da xanh, sầu riêng, dưa lưới; Dự án “Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Sơn Hải” triển khai tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) quy mô 300 ha, trồng các loại cây đặc thù của tỉnh trong nhà màng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Đồng chí Đặng Kim Cương, cho biết: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh hình thành được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC (vùng sản xuất nho Vĩnh Hải, vùng sản xuất rau An Hải, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC Phước Tiến, vùng sản xuất giống thủy sản An Hải) đáp ứng các tiêu chí công nhận, tổng diện tích sản xuất đạt 1.000 ha, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp CNC, như: chính sách “dồn điền đổi thửa”, “tích tụ ruộng đất”, cơ chế cho thuê ruộng, đất ổn định lâu dài tạo điều kiện thu hút đầu tư. Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp CNC; đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

 Nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Với định hướng phát triển đúng, tin tưởng ngành Nông nghiệp sẽ tạo bứt phá trong thời gian tới.