Tình trạng cây mì bị nhiễm virut khảm lá xuất hiện tại xã Quảng Sơn gần 2 năm qua nhưng chỉ với diện tích thấp. Trước mối lo của dịch bệnh, khi xuống giống, nông dân địa phương đã thực hiện nhiều phương pháp để phòng, trừ và khống chế mầm bệnh nhưng virut khảm lá vẫn tiếp tục lây lan ra diện tích rộng. Qua khảo sát của địa phương, trong niên vụ mì năm nay, nông dân xuống giống được 1.572 ha cây mì, trong đó diện tích nhiễm bệnh chiếm 96%.
Hơn 90% diện tích cây mì của nhà ông Trần Văn Hoàng bị nhiễm virut khảm lá.
Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh trên cây là khảm vàng loang lỗ trên lá, làm cho lá biến dạng, nhăn nhúm, cong queo, cây phát triển chậm. Chính những tác động xấu của virut bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của cây mì khi thu hoạch. Theo tính toán của nông dân, trung bình 1 ha mì nếu được chăm sóc tốt sẽ có năng suất đạt từ 22-25 tấn, nhưng nếu nhiễm virut khảm lá, năng suất chỉ đạt một nửa, có trường hợp mất trắng tùy thuộc vào giai đoạn cây mì bị nhiễm bệnh. Nông dân Trần Văn Hoàng, thôn Thạch Hà 1 có 1,2 ha mì bị nhiễm virut khảm lá cho biết: Biết được mối nguy hại của bệnh khảm lá nên gia đình đã xử lý hom giống rất kỹ trước khi xuống giống. Qua 4 tháng đầu phát triển bình thường, cây mì bắt đầu có dấu hiệu xoắn lá. Gia đình đã thực hiện nhiều phương pháp xử lý mầm bệnh nhưng không khả quan. Chính vì vậy mà năng suất đợt thu hoạch này chỉ đạt được 14 tấn mì, giảm gần một nửa sản lượng so với vụ trước. Tuy nhiên nhờ giá mì tăng lên cao, khoảng 1.800-2.000 đồng/kg (mì tươi) nên thu nhập của gia đình cũng vớt vát được phần nào.
Ông Võ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Diện tích cây mì ở địa phương bị bệnh khảm lá liên tục tăng. Chỉ mới niên vụ trước, bệnh xuất hiện lác đác thì nay diện tích đã lan chóng mặt. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thông báo cho ngành Nông nghiệp, UBND huyện Ninh Sơn sớm có phương án hỗ trợ nông dân xử lý mầm bệnh để ngăn chặn bệnh khảm lá trên cây mì, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Lê Thi