Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khép lại năm 2020, tuy có những khó khăn nhất định nhưng nhìn chung, bức tranh KT-XH của huyện Ninh Phước cũng có nhiều khởi sắc, đời sống của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; thu ngân sách 80 tỷ đồng, vượt 6,7% chỉ tiêu tỉnh giao và 3,6% dự toán huyện giao; thu nhập bình quân đàu người 45,9 triệu đồng/năm đạt kế hoạch (KH) đề ra.
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn xã Phước Thái (Ninh Phước). Ảnh: T.M
Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tích cực triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển KT-XH. Theo đó, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực, kịp thời nắm bắt và chủ động chỉ đạo tốt các vấn đề nảy sinh, nhất là trong điều kiện tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, làm ngưng trệ hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song nhờ sự điều hành có hiệu quả mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch, chống hạn vừa phát triển kinh tế, huyện đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng, các dự án năng lượng tái tạo và nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tạo động lực phát triển KT-XH. Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường đạt hiệu quả bước đầu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, giao quân đạt chỉ tiêu giao.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên chỉ số giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích sản xuất của huyện Ninh Phước năm 2020 đạt 198,7 triệu đồng/ha, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2019. Kết quả thực hiện chuyển đổi chuyến đổi cây trồng được 162,3ha vượt 8,2% so với chỉ tiêu tỉnh giao và 42% chỉ tiêu huyện giao. Nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm trên các cây trồng lợi thế; việc nhân rộng cánh đồng lớn, các mô hình sản xuất hiệu quả đạt kết quả tích cực, trong đó nhân rộng cánh đồng lúa lớn với 11 cánh đồng/2.078,5 ha (tăng 2 cánh đồng lớn 200 ha), duy trì 1 cánh đồng lớn sản xuất bắp 80 ha, 2 cánh đồng lớn măng tây xanh 50 ha.
Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có bước phát triển đáng kể, nhờ đó đã tạo thế cân bằng cho phát triển kinh tế của huyện Ninh Phước với giá trị sản xuất đạt 3.251,8 tỷ đồng, vượt 10,3% kế hoạch năm, tăng 38% so với năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện có 11 dự án năng lượng hoàn thành với tổng công suất 423,2MW/11.330 tỷ đồng và 3 dự án đang thi công. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các loại hình tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa cơ khí, gia công sắt nhôm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chề biến nông sản; thực hiện Đề án phát triển làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có chuyển biến; các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như rượu vang nho, mật nho ở Phước Thuận; táo sấy, nho sấy, thịt dê, cừu qua chế biến ở Phước Thuận và Phước Hậu, trà măng tây xanh ở An Hải… cũng có nhiều bước tiến trên con đường khẳng định thương hiệu và chất lượng.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) ngày càng khẳng định thương hiệu. Ảnh: Văn Nỷ
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội được giải quyết kịp thời, đúng quy định, nhất là công tác hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chất lượng dạy và học các cấp được nâng lên, quy mô học sinh các cấp học được duy trì, trong năm huyện có thêm 1 trường đạt chuẩn quốc gia đó là Trường TH Bình Quý, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 26 trường. Hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quan tâm; duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giữ ở mức 0,97%.
Một kết quả nổi bật nữa mà huyện Ninh Phước gặt hái được trong năm 2020 là huyện đã được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Không dừng lại ở mức độ đạt chuẩn NTM, các địa phương trong huyện cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao. Đơn cử như xã Phước Thuận, xã Phước Thái đạt 10/13 nội dung và đạt 2/5 tiêu chí NTM nâng cao; thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn đạt 21/29 nội dung và 1/5 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn của huyện đang ngày càng đổi mới, hạ tầng KT-XH ngày càng phát triển. Các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân được chú trọng, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 3,04% và hộ cận nghèo còn 8,12%; giải quyết việc làm cho 2.926 lao động, vượt 4,5% chỉ tiêu tỉnh giao.
Những kết quả nêu trên chính là tiền đề, động lực quan trọng để huyện Ninh Phước tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2021, đưa huyện nhà không ngừng phát triển về mọi mặt trong những năm tiếp theo.
Diễm My