Ninh Phước: Hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng

Với mục tiêu tăng năng suất và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, sản xuất theo hướng bền vững, những năm qua, huyện Ninh Phước tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển, nâng cao thu nhập người dân.

Để nâng cao giá trị đơn vị sản xuất, ngoài việc triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện quy hoạch, bố trí các cây trồng chủ lực theo thế mạnh của từng vùng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vao sản xuất. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, huyện đã xác định 5 loại cây trồng chủ lực: Lúa, bắp, măng tây xanh, nho, táo để có chính sách đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, xã vận động nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn có giá trị kinh tế cao như: Măng tây xanh, nho, táo... Tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất hiệu quả, đặc biệt là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Nhân viên Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu hoạch măng tây xanh ở xã An Hải (Ninh Phước) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích hàng trăm hécta như: Mô hình trồng măng tây xanh tại xã An Hải, Phước Hải; sản xuất bắp giống với diện tích trên 300 ha ở các xã Phước Vinh, Phước Sơn; mô hình trồng nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển chuỗi liên kết sản xuất, nâng giá trị đơn vị sản xuất từ 142 triệu đồng lên 188 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết để cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm cho nông dân. Bà Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Châu Rế, xã Phước Hải, cho biết: Thông qua mô hình liên kết trong sản xuất không chỉ giúp các hộ dân thay đổi được tập quán sản xuất cũ, mà còn được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua giống, hướng dẫn kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm, vì vậy năng suất và chất lượng sản phẩm đạt cao hơn. Nhờ đó, nhiều hộ từ khi chuyển sang trồng măng tây xanh cho thu nhập cao.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, cho biết thêm: Mặc dù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh các loại sản phẩm hàng hóa nông sản còn thấp, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, nên thu nhập của người dân chưa cao, dẫn đến chưa tạo được sức bật cho nông nghiệp. Để nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức lại hình thức sản xuất nông nghiệp; vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tập trung quy hoạch, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả.