Chủ động chăm sóc cây trồng, ổn định sản xuất sau mưa, lũ

Những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân các địa phương. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích cây trồng bị ngập do mưa, lũ là 1.022,6 ha; trong đó, 782,1 ha lúa, 240,5 ha rau màu. Để kịp thời khắc phục thiệt hại, cũng như chủ động phòng tránh những bất lợi do thời tiết đối với sản xuất, ngành chức năng, các địa phương đã hướng dẫn nông dân chủ động chăm sóc cây trồng, ổn định sản xuất sau mưa, lũ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đối với những diện tích lúa từ giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng bị ngập úng, cần tập trung huy động mọi nguồn lực để chủ động khơi thông các dòng chảy, tổ chức tiêu thoát nước cho đồng ruộng; ưu tiên thoát nước cho vùng trũng, vùng thấp, vùng ngập úng lâu ngày. Không để lúa bị ngập lâu, nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển, thậm chí gây thối và chết lúa. Đối với diện tích lúa từ giai đoạn trổ, vào chắc và chín, tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa bị đỗ ngã, nếu đã chín trên 85% số hạt/bông; đồng thời, áp dụng các biện pháp hong sấy, phơi khô thóc, tránh hiện tượng nảy mầm, ẩm mốc làm ảnh hưởng đến chất lượng của hạt lúa. Mặt khác, tăng cường theo dõi rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm 2 chấm, bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá… phát sinh gây hại đối với những diện tích còn lại để chủ động phòng trừ đạt hiệu quả.

Với những diện tích lúa bị vùi lấp không còn khả năng phục hồi, cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, tiến hành làm đất ngay sau khi nước rút để gieo sạ vụ đông-xuân 2020-2021; đối với diện tích không thể gieo sạ lại hoặc không chủ động nước tưới tiêu cần tập trung san lấp tạo mặt bằng chuyển sang trồng bắp, đậu các loại và rau màu. Riêng với diện tích lúa gieo sạ vụ đông - xuân sớm ở địa bàn huyện Thuận Nam đang ở giai đoạn mạ bị nước tràn qua gây ngập úng (150 ha), ngay sau khi nước rút khẩn trương áp dụng các biện pháp rửa bùn trên lá, sục bùn để tạo thông thoáng cho cây lúa phát triển. Lưu ý không bón phân sớm, chỉ áp dụng bón đạm cho cây lúa đã ra lá và rễ mới.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) khắc phục diện tích lúa bị ngã đổ sau mưa, lũ.

Đối với cây ăn quả như nho, táo, bưởi da xanh, người dân cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước, tránh bị thối gốc, đồng thời vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp các tàn dư sau mưa, lũ... Cây trồng ở khu vực trũng, bị ngập nước cần khẩn trương vét rãnh xung quanh tán để thoát nước, xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí, tưới bổ sung các chế phẩm kích thích ra rễ và chế phẩm Tricoderma để hạn chế bệnh thối rễ, đồng thời thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Cây ăn quả bị long gốc, nghiêng đổ, cần dùng cọc đóng sâu vào đất, cố định cây để hạn chế bị lung lay làm xây xát cổ rễ, dễ phát sinh bệnh hại. Nếu hố trồng cây ăn quả bị đọng nước, cần có biện pháp thoát nước kịp thời, xới xáo nhẹ mặt đất để thông thoáng cho rễ cây, tránh gây tổn thương rễ.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Nông dân cần lưu ý không bón phân hóa học vào đất đối với các cây ăn quả bị long gốc, chỉ có thể bổ sung dinh dưỡng qua lá. Cần theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Có thể dùng các loại thuốc nấm như Ridomil Gold® 68WG hoặc Aliette 800WG,... tưới gốc 2-3 lần, cách nhau 20-25 ngày để phòng trừ, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Cây ăn quả bị gãy cần cưa cành gãy; dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập gây hại; bổ sung bón phân trung vi lượng như Canxi-Bo để hạn chế nứt, rụng trái. Khi bộ rễ cây đã ổn định trở lại (khoảng sau 20-30 ngày), mới tiến hành bón phân cho vườn cây ăn quả.

Các loại cây trồng khác như bắp, cây mía, mì... bị ngã đổ cần được dựng lại, tạo rãnh thoát nước; tăng cường chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại, tạo điều kiện cho cây hồi phục. Các diện tích đất trồng rau màu cần tháo nước nhanh, kịp thời khơi thông dòng chảy để nước không ngập lâu; xới xáo phá váng, bón vôi khử trùng trên các diện tích bị nước lũ tràn qua, chăm sóc, cắt tỉa, bón phân theo nhu cầu và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Kiểm tra phòng trừ sâu khoang, sâu xám, sâu keo và một số bệnh hại do vi khuẩn, nấm gây ra. Cần lưu ý phòng trừ nấm bệnh, vi khuẩn gây bệnh lở cổ rễ, bệnh thối nhũn.

Ông Dũng cho biết thêm, các địa phương, phòng chuyên môn cần chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, phối hợp chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật Trạm TT&BVTV địa phương, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời theo thông báo và hướng dẫn nông dân chủ động khắc phục thiệt hại và có phương pháp chăm sóc khoa học, hiệu quả.