Năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh ta gặp nhiều khó khăn, thử thách. Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, mạng lưới y tế cơ sở hoạt động cầm chừng, nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn trắng đội ngũ y, bác sĩ. Do vậy, từ công tác phòng, chống dịch bệnh, đến khám chữa bệnh đều hoàn toàn bị động, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Trước thực tế đó, ngay sau khi đi vào hoạt động, cùng với việc củng cố lại bộ máy tổ chức, ngành Y tế còn tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, địa phương và các dự án để tập trung nâng cấp, xây dựng mới cơ sở làm việc, mua sắm các trang thiết bị y tế; đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực bằng việc chọn cử hàng trăm cán bộ đi học các lớp chuyên môn nghiệp vụ về y và dược để bổ sung cho các vị trí còn yếu và thiếu.
Bằng những việc làm cụ thể trên, sau 19 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay có thể nói hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ta đang từng bước được hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm chuyên khoa đầu ngành, 4 bệnh viện, 7 trung tâm y tế huyện, thành phố và 100% xã, phường trong tỉnh đã có trạm y tế, trong đó 39/65 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đội ngũ thầy thuốc cũng đã tăng lên về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có 1.912 cán bộ y tế, bình quân trên 1 vạn dân có 26 nhân viên y tế và 5,3 bác sĩ; 100% thôn có nhân viên y tế hoạt động; 95% Trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Nhiều y, bác sĩ nghiên cứu, học tập ứng dụng các tiến bộ khoa học của nền y học ứng dụng trong thực tế chuyên môn.
Ngành Y tế đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại tại các cơ sở y tế, phục vụ tốt công tác khám,
chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Văn Thanh
Một trong những thầy thuốc có nhiều năm gắn bó và đóng góp cho ngành như Thầy thuốc ưu tú Hồ Đăng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. Hơn 25 công tác trong ngành, anh đã có 5 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các bệnh da liễu và bệnh phong, được Hội đồng khoa học kỹ thuật của ngành Y tế xét công nhận và đang được ứng dụng thành công trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Anh cho biết: “Dù công việc chuyên môn có vất vả, nhiều khi gặp các ca bệnh rất nặng phải chịu nhiều áp lực, nhưng tập thể y, bác sĩ toàn ngành luôn động viên, nhắc nhở nhau cố gắng làm tròn trách nhiệm y đức của mình. Mong muốn của đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi đó là trong thời gian tới cùng với việc tập trung đào tạo thêm nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, ngành cần quan tâm đầu tư thêm các trang thiết bị y tế hiện đại hơn nữa, có như vậy công tác khám chữa trị cho người bệnh mới đạt kết quả cao hơn”.
Với tinh thần yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực hết mình của đội ngũ y, bác sĩ, trong tỉnh, đến nay công tác dự phòng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều năm liền các bệnh nguy hiểm như cúm A(H5N1), tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả không có ca mắc; một số bệnh như cúm A(H1N1), sốt xuất huyết, sốt rét, thương hàn, tay - chân –miệng… đều được kiểm soát và khống chế kịp thời không để xảy ra dịch trên diện rộng. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đầy đủ mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm giảm từ 1-1,5%. Công tác phát hiện và quản lý điều trị bệnh lao, phong, tâm thần hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Đặc biệt, đến nay tỉnh ta đã hoàn thành mục tiêu loại trừ bệnh phong và bệnh bại liệt. Một số cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm chuyên khoa đầu ngành như Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi... ngoài việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy siêu âm doppler màu 4 chiều, Máy chụp X quang, máy xét nghiệm máu, máy nội soi phế quản ống mềm, máy phân tích khí máu,... các bệnh viện này còn nỗ lực triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bệnh viện tỉnh đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Văn Miên
Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế tâm sự: “Thời kỳ khó khăn nhất của ngành đã qua, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực ở các bệnh viện tuy không nói là “dồi dào”, nhưng với tinh thần vượt khó, tình yêu thương người bệnh, ngành đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”. Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong 5 năm trở lại đây, cùng với việc triển khai thực hiện đề án khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh biện tỉnh, ngành y tế còn triển khai có hiệu quả đề án 1816 của Bộ Y tế về việc luân phiên cán bộ y tế xuống hỗ trợ tuyến dưới. Nhờ đó, đến nay một số bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Sơn, Bệnh viện Ninh Phước đã triển khai được nhiều kỹ thuật như: mổ ruột thừa, mổ dạ dày và giải quyết được nhiều trường hợp tim mạch, cao huyết áp ác tính, ngộ độc thuốc trừ sâu, xuất huyết tiêu hóa và các chấn thương... góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Phát huy những kết quả đạt được, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2011, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, cũng là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành Y tế, đó là thực hiện chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2015. Vì thế, ngành đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục đầu tư, củng cố tiến tới hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo đến năm 2015 tất cả các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đều có nữ hộ sinh; 70% trạm y tế có bác sĩ. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng Bệnh viện đa khoa mới; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác truyền thông–giáo dục sức khỏe, giám sát, kiểm tra hoạt động y tế cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, có tâm y trong sáng, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Văn Thanh