Có thể nói qua 12 năm liên tục phát động đã tạo nhiều chuyển biến trong nhận thức và việc làm từ cơ sở sản xuất, người kinh doanh đến người tiêu dùng. Hay nói khác hơn là ý thức về sức khỏe cộng đồng liên quan đến thực phẩm từng bước được nâng lên, đặc biệt là nhiều người tiêu dùng đã chú trọng hơn đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, hợp vệ sinh… Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí là ở cả những khu du lịch có tên tuổi mặc dù là ngoài ý muốn. Qua tìm hiểu có nhiều nguyên nhân: một số người có thói quen ăn sống một vài loài hải sản như hào, cá mú, cá mai…; một số khác không loại trừ người bán sử dụng hóa chất tẩm ướp cho thịt, hải sản được tươi; người sản xuất dùng nhiều chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu… để bón, phun xịt cây trồng nhất là rau, củ, quả để “chóng lớn” mà bỏ qua qui trình hướng dẫn “tiêu độc” của ngành bảo vệ thực vật. Vấn đề cũng hết sức lo ngại đó là còn nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không hợp vệ sinh như bánh, kẹo… “bình dân”; thức ăn đường phố hiện cũng đang là một “vấn nạn” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Theo thống kê chung của ngành y tế, đến nay trong cả nước còn có đến trên 40% người tiêu dùng chưa thật sự am hiểu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình. Điều này cũng có nghĩa là vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra “quá dễ dãi” với sức khỏe của chính mình!
Để Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay thiết thực và tạo được sức “lan tỏa” sâu rộng cả người sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, ngoài việc cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến… thực phẩm; tiếp tục duy trì việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì vấn đề cũng không kém phần quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền về VSATTP để người dân biết và tự bảo vệ mình.
Tuấn Dũng