Vì nguồn sáng tương lai cho đất nước

Trong chiến tranh, nhân dân xã Phước Dinh một lòng theo Đảng, đoàn kết đánh giặc. Đất nước thống nhất, người dân xã Phước Dinh lại cần cù lao động xây dựng quê hương.

Đặc biệt, khi địa phương được Nhà nước chọn làm địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân số 1, một lần nữa người dân nơi đây đồng tâm nghe theo lời Đảng, sẵn sàng di chuyển đến nơi ở mới, tất cả vì sự phát triển lâu dài của đất nước.

Phước Dinh, ngày ấy-bây giờ

Chúng tôi về lại xã Phước Dinh vào một ngày Tháng Tư lịch sử. Nhắc đến Phước Dinh, chắc hẳn không thể quên được những tên người, tên đất một thời oanh liệt như: anh hùng Nguyễn Tiệm, Chiến khu 35…CK 35 được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp, vốn là cơ sở đầu não cách mạng, nơi nuôi giấu và che chở bộ đội ta trong hai cuộc kháng chiến. Nơi đây đã chứng kiến nhiều trận thắng lẫy lừng của quân và dân ta, khiến quân giặc khiếp sợ mỗi khi nhắc đến. Nhấp ngụm trà nóng, bác Nguyễn Thanh Xuân, cựu chiến binh đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến, nhớ lại: “Chiến tranh điêu tàn, trên từng tấc đất quê hương đâu đâu cũng có dấu chân quân thù. Ngày nào chúng cũng bắt bớ, lùng sục, chém giết người dân vô tội. Căm phẫn quân địch hung ác, bà con ta rỉ tai nhau một lòng theo Đảng. Hồi ấy các phong trào thanh niên, phụ nữ, phụ lão diễn ra rất sôi nổi. Các mẹ, các chị đi làm giao liên, gánh gạo từ các vùng về nuôi bộ đội ở chiến khu. Bên trong, các lực lượng yêu nước tổ chức biểu tình đấu tranh đòi dân quyền, phản đối chiến tranh. Từ CK 35, lực lượng vũ trang ta tạo thế “3 chân, 2 mũi” vững chãi, đánh đuổi quân thù. Thế hệ sau lại tiếp bước cha anh đứng lên cầm súng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng không ngừng lớn mạnh cho đến ngày quê hương Ninh Thuận được giải phóng”.

Vùng biển Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

36 năm đi qua sau ngày thống nhất đất nước, Phước Dinh bây giờ đã "thay da, đổi thịt". Đứng trên tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh nhìn xuống, làng biển Sơn Hải như bức tranh "sơn thủy hữu tình", sống động với những con sóng cùng hàng trăm con thuyền neo đậu; một bên là làng biển sầm uất, nhộn nhịp đông vui. Từ bao đời nay, biển như mẹ hiền bao bọc, nuôi sống và làm giàu cho người dân nơi đây. Anh Đinh Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã dẫn chúng tôi tham quan một vòng dọc theo bờ biển Sơn Hải, cho biết: Mặc dù không có cảng cá như các vùng khác nhưng lượng hải sản ở đây rất dồi dào. Hiện số tàu thuyền toàn xã là 193 chiếc với tổng công suất 8.282 CV, sản lượng đánh bắt hàng năm trung bình khoảng 5.000 tấn. Phước Dinh còn được xem là “thủ đô tôm” của toàn huyện với tổng diện tích đìa lên đến 446 ha. Năm 2010, sản lượng tôm thịt thu được gần 5.000 tấn. Bà con nuôi tôm bây giờ đã có nhiều kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, cải tạo giữ gìn vệ sinh ao đìa nên con tôm chất lượng, năng suất cao. Nhờ con tôm mà nhiều hộ nghèo đã trở thành triệu phú. “Đất lành chim đậu”, nhiều người dân ở các tỉnh bạn như Phú Yên, Bình Định… nghe tiếng cũng đến đây thuê đất làm đìa thả tôm, càng làm cho vùng biển thêm nhộn nhịp. Không chỉ mang lại kinh tế cao, tính sơ sơ khoảng 450 ha tôm như hiện nay hàng tháng đã giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động”. Điều làm bà con nơi đây phấn khởi hơn nữa chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh, cải thiện đáng kể đời sống cho bà con. Chị Nguyễn Thị Hương, một người dân ở thôn Sơn Hải 1, vui mừng cho biết: Từ khi khởi công xây dựng tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh, rồi cả tuyến đê chắn sóng ven biển tại hai thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, bà con mừng lắm. Giờ bà con muốn đi đến huyện Ninh Phước, hay Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đều rất thuận tiện. Có cái đê chắn sóng, bà con mình an tâm, chẳng phải lo lắng đến thủy triều lên nữa mà chỉ chú tâm vào làm ăn thôi!”

Vì “nguồn sáng” tương lai

Anh Đinh Văn Hòa tiếp tục đưa chúng tôi dọc theo tuyến đường ven biển đến thôn Vĩnh Trường, nơi đây sẽ đặt Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam với công suất 2.000 MW, dự kiến được khởi công xây dựng vào năm 2014 và vận hành vào năm 2020. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu tâm tư của bà con, anh Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường cười giòn tan: Nhà báo cứ yên tâm, tôi bảo đảm 100% người dân đều đồng thuận cả. Bây giờ đến thôn hỏi về nhà máy điện hạt nhân, ngay cả một cậu học sinh tiểu học cũng có thể trả lời vanh vách những điều cơ bản nhất. Thực ra, lúc đầu do chưa hiểu biết đầy đủ nên khi nghe nói Nhà nước có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây bà con mình hoang mang lắm. Nhưng qua thời gian được tuyên truyền, vận động, đặc biệt là từ những đợt đi tham quan một số nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, mình thấy người dân vẫn sống, nuôi trồng thủy sản, sản xuất bình thường cách nhà máy bán kính hơn 400m. Mỗi ngày còn có hàng ngàn du khách đến nhà máy tham quan. Vì vậy, bà con mình chẳng còn lo lắng gì và hết sức ủng hộ chủ trương của Nhà nước”. Còn cụ Võ Văn Hưng, năm nay đã gần 70 tuổi, được xem như “già làng” phát biểu rành rọt: “Dẫu biết rằng rời bỏ nơi "chôn nhau cắt rốn", bà con mình có phần luyến tiếc. Nhưng nghĩ lại ngày xưa cha ông mình còn hy sinh cả xương máu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì sự hy sinh của bà con bây giờ có thấm gì! Hơn nữa, Nhà nước đã có dự án thành lập khu tái định cư, đền bù thỏa đáng cho bà con. Mai sau có nhà máy điện tạo điều kiện cho kinh tế tỉnh nhà phát triển, đời sống của bà con mình cũng được cải thiện, sao không vui cho được!”.

Hải đăng Mũi Dinh. Ảnh: Văn Miên.

Chia tay bà con thôn Vĩnh Trường, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình gần 10 km đến tham quan khu tái định cư của Dự án Nhà máy Điện hạt nhân số I ở khu vực rừng dương thuộc thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh. Chẵng có thể ngờ được trên khu đồi cát gần 90 ha này chỉ vài năm nữa thôi sẽ trở thành một đô thị sầm uất, hiện đại phục vụ cho trên 7.000 người gồm cả người dân và đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chuyên gia… làm việc trong nhà máy. Theo quy hoạch, ngoài khu vực làm nhà ở cho người dân tái định cư, các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: trung tâm hành chính, chợ, trường học, công viên, trạm y tế…, nơi đây sẽ được xây dựng khu chung cư dành cho công nhân, quảng trường trung tâm, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp… được xen kẽ với hệ thống cây xanh tạo không gian xanh-sạch, thân thiện với môi trường. Một lần nữa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Dinh Đinh Văn Hòa chia sẻ niềm vui: “Khi biết được di chuyển đến đây, bà con mình mừng lắm, vì khu vực này sát với bờ biển, có tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh đi qua, vừa thuận tiện cho bà con hành nghề đánh bắt hải sản, lại thuận tiện giao thương, buôn bán. Đối với khu vực tái định canh ở phía Tây, đất ở đây phần lớn là chưa được khai thác nên rất màu mỡ phù hợp cho bà con sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi gia súc”.

Những tia nắng cuối ngày đang dần núp sau những rặng dương xanh vút. Với chúng tôi, một ngày trôi qua được cùng ở, cùng trò chuyện với bà con nơi đây quả thật ý nghĩa, hạnh phúc. Lúc này, tôi chợt nhớ có một đồng nghiệp đã nói với tôi: “Càng đi, càng hiểu, càng thấy con người, quê hương mình thật đẹp, thật hiền hòa”. Đúng thế, đẹp và hiền hòa như những con người tôi từng biết đến trên vùng biển Phước Dinh này- những con người biết đoàn kết, hy sinh, một lòng theo Đảng, đồng thuận vì “nguồn sáng” tương lai của đất nước từ những công trình “ý Đảng, lòng dân” như thế.