Do trong mùa mưa năm 2019, trên địa bàn huyện Ninh Sơn lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 40-60%, do đó các hồ chứa phục vụ tưới cho sản xuất trên địa bàn huyện đã xuống thấp dưới mực nước chết. Cụ thể như hồ Cho Mo, dung tích chỉ còn 0,69 triệu m3 so với dung tích chứa 8,79 triệu m3 và hồ Phước Trung, dung tích chỉ còn 0,06 triệu m3 so với dung tích chứa 2,35 triệu m3. Trong khi đó, lượng nước từ Hồ Đơn Dương chỉ còn 70,5 triệu m3, so với dung tích thiết kế 165 triệu m3, đạt dưới 43%.
Với việc tiếp nhận nguồn nước bổ sung từ Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã góp phần “giải hạn”
cho một số vùng sản xuất của huyện Ninh Sơn.
Trong vụ đông-xuân 2019-2020, toàn huyện đã đưa vào gieo trồng trên 6.000 ha cây trồng các loại, trong đó 4,5 ngàn ha cây lương thực (lúa, bắp), 63 ha mỳ và trên 1,5 ngàn ha cây thực phẩm, công nghiệp ngắn ngày và hàng năm khác. Theo kế hoạch, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương dừng sản xuất 379 ha trong vụ đông-xuân. Trong đó, xã Nhơn Sơn 229 ha, Mỹ Sơn 33,2 ha, Quảng Sơn 11 ha, Ma Nới 30 ha và xã Hòa Sơn 50 ha. Các địa phương cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiết kiệm nước đối với 516,7 ha, đạt gần 194% kế hoạch. Trong điều kiện khó khăn về nguồn nước sản xuất, nguy cơ hạn cục bộ tại một số địa phương trên một số vùng với một số cây trồng như khu vực cánh đồng 38 xã Lâm Sơn với khoảng 170 ha mía và mỳ; khu vực canh tác ở triền đồi gần 10 ha ở xã Ma Nới và tập trung nhất tại vùng “rốn” hạn 250 ha tại thôn Mỹ Hiệp, Nha Húi (xã Mỹ Sơn) và cánh đồng Chà Vum diện tích 300 ha tại xã Nhơn Sơn.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho những vùng có nguy cơ thiệt hại do hạn hán, huyện đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp nhận, điều tiết nguồn nước từ Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ bổ sung cho hệ thống tưới của Hồ Cho Mo kịp thời đáp ứng yêu cầu chống hạn và phục vụ sản xuất của người dân. Nên hiện nay, toàn bộ diện tích sản xuất của người dân tại khu vực Mỹ Sơn, Nhơn Sơn cơ bản đủ nước tưới và cây trồng phát triển tốt.
Trong vụ hè-thu năm 2020, toàn huyện sẽ tiếp tục dừng sản xuất 3.186 ha, trong đó, nhóm cây lượng thực 627,5 ha, cây tinh bột 2.091 ha, cây thực phẩm 268 ha và cây công nghiệp ngắn ngày 200ha. Ngoài ra đối với một số khu vực hạn chế sản xuất với diện tích khoảng 1.740 ha không chủ động nước và 500 ha cuối kênh ở xã Lương Sơn có thể sản xuất nhưng có khả năng bị ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng; các địa phương khuyến cáo vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng cạn chủ yếu canh tác các giống cây trồng chịu hạn, tiết kiệm nước như bắp, mía, mỳ, đậu xanh, rau màu; tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn cho biết: Nếu thời tiết không có mưa, với lượng nước hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn không đảm bảo cung cấp đủ cho kế hoạch sản xuất, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương chỉ tập trung sản xuất trên 8,6 ngàn ha vùng chủ động nước, còn lại hơn 3,18 ngàn ha phải dừng sản xuất. Còn nếu có mưa và lũ tiểu mãn, nước tại các hồ chứa đảm bảo sẽ triển khai sản xuất trên 11,27 ngàn ha. Căn cứ tình hình nguồn nước trên các sông suối, ao hồ, các công trình thủy lợi theo từng vùng, từng khu vực tại các địa phương để quản lý chặt chẽ và điều tiết nguồn nước phù hợp.
Để chủ động công tác ứng phó hạn, ổn định sản xuất, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng các giải pháp như hướng dẫn nhân dân sản xuất tập trung đúng lịch thời vụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết; thường xuyên kiểm tra kênh mương nội đồng, vận hành công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho cây lúa, rau màu và các loại cây trồng khác; tận dụng mọi nguồn nước, sử dụng tiết kiệm để phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của người dân và giảm thiệt hại thấp nhất do hạn hán gây ra.
Anh Tuấn