Điểm lại thành tựu của ngành Nông nghiệp để thấy, từ canh tác mang tính “tự cung tự cấp” manh mún, nhỏ lẻ, đến nay trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực tập trung quy mô lớn theo quy hoạch với những ngành hàng có lợi thế. Đơn cử, vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chế biến như khoai mì hơn 3.000 ha, mía gần 3.000 ha tập trung ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái; vùng sản xuất lúa tập trung quy mô 12.000, táo, nho gần 2.000 ha tập trung ở huyện Ninh Phước và Ninh Hải, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường. Đáng nói là, trong sản xuất hình thành các mô hình liên kết với doanh nghiệp từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới, với kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được củng cố, cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, bảo quản, chế biến hàng nông sản.
Giống nho mới NH01-152 đang trồng phổ biến ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Sau một thời gian triển khai thí điểm các mô hình, dự án về chăn nuôi và trồng trọt, ngành Nông nghiệp đã tìm được hướng đi riêng, biến khó khăn của nắng hạn thành lợi thế phát triển. Một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như măng tây xanh, nha đam, bưởi da xanh… được đưa vào sản xuất có năng suất chất lượng cao, tạo được sự khác biệt của các mặt hàng nông sản ở vùng “nắng gió”. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp nông dân sản xuất, nhiều mô hình có hiệu quả được nhân rộng đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển cả về diện tích, năng suất và giá trị sản xuất.
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; số Nghị quyết 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Tỉnh ủy, ngành Nông nghiệp đã tạo đột phá về đầu tư hạ tầng thủy lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn 2016-2019, tỉnh đầu tư 2.330 tỷ đồng xây dựng 63 công trình thủy lợi, nâng cấp các tuyến kênh phục vụ sản xuất, nâng diện tích đất chủ động nước tưới từ 49,6% năm 2015 lên 53,7% hiện nay. Trong bối cảnh nền nông nghiệp còn ở trình độ thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao giá trị đơn vị diện tích ở những nơi chủ động nước tưới. Các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất măng tây xanh, nho; bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt 680 triệu đồng/ha/năm.
Cơ sở Phúc Farm, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đầu tư nhà bao lưới và ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
So với ngày đầu tái lập tỉnh, nền nông nghiệp có sự thay đổi về hình thức tổ chức sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai quan trọng trong chuỗi giá trị. Nhìn nhận được tiềm năng, lợi thế, cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhiều doanh nghiệp đã đến tỉnh ta hợp tác với nông dân làm ăn lâu dài. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã mời gọi được 9 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử, Dự án đầu tư Khu sản xuất, kinh doanh tôm giống công nghệ cao tại xã An Hải (Ninh Phước) của Công ty TNHH Việt Úc-Ninh Thuận đã góp phần vào xây dựng tỉnh ta thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Những dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Nắng và Gió; sản xuất nho rượu của Công ty TNHH Ladorafarm tại Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đi vào hoạt động đã giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ việc doanh nghiệp chú trọng chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất đã hình thành những vùng thâm canh cây trồng chủ lực quy mô lớn mà tự các hộ nho lẻ không làm được.
Nhìn lại chặng đường 45 năm, ngành Nông nghiệp để lại nhiều dấu ấn. Giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác chủ động nước đạt 115 triệu đồng/ha/năm, dự kiến năm 2020 đạt 125,5 triệu đồng, tăng hơn 70 triệu đồng so với năm 2015. Nông nghiệp phát triển theo hướng giảm diện tích cây lúa, tăng diện tích cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao để ứng phó với hạn. Lĩnh vực thủy sản phát triển đồng bộ cả khai thác và sản xuất giống gắn với ứng dụng công nghệ cao, đã xây dựng được khu sản xuất tôm giống tập trung chất lượng cao, thành lập các tổ đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất trên vùng biển xa.
Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Đầu tư S6 (Ninh Hải). Ảnh: D.L
Bước vào giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp đứng trước thời cơ mới, đó là Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho tỉnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước cho phép tỉnh ta đề xuất cơ chế đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn và một số ngành kinh tế trụ cột khác. Sự phát triển của khoa học và công nghệ là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển một số ngành hàng đặc thù như: nho, táo tỏi, măng tây xanh, tôm giống. Tuy vậy, đi cùng với đó, nông nghiệp cũng đứng trước thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên xảy ra trên diện rộng, tình trạng thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Hiện nay Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và kinh tế thế giới với những hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như TPP, Việt Nam - EU… được dự báo sẽ tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, cho hay: Đứng trước thời cơ và thách thức đan xen, để phát triển nông nghiệp bền vững, định hướng của tỉnh là tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư các mặt hàng đặc thù, có lợi thế; coi trọng tính hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thu hút đầu tư công, đầu tư của các nhà tài trợ, doanh nghiệp để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù gắn với liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ giá tị gia tăng khu vực nông, lâm và thủy sản cao hơn giai đoạn 2015-2020, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có tính đặc thù của tỉnh với vai trò đầu tàu là các doanh nghiệp lớn liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân.
Anh Tùng