Vụ đông - xuân 2019-2020 các địa phương đã quyết tâm thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, cải tiến cách làm, giảm tối thiểu chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, mở rộng kết nối doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo chuyển biến rõ nét.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Miên
Vụ đông - xuân 2019-2020, toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng được hơn 903 ha, đạt gần 153% kế hoạch vụ và 67% kế hoạch năm 2020. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa hơn 764 ha, chuyển đổi trên đất khác gần 140 ha; cây ngắn ngày hơn 833 ha, cây dài ngày bền vững 70,3ha. Tại Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp vụ đông – xuân 2019-2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè - thu 2020 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định hiệu quả kinh tế của các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn tạo thu nhập cao cho nông dân, đảm bảo cuộc sống của bà con ở những vùng hạn không bị xáo trộn.
So với vụ cùng kỳ năm ngoái, công tác chuyển đổi cây trồng vụ này có sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình có hiệu quả, là điểm mới trong điều hành chỉ đạo, nhân tố chính dẫn đến thành công. Đối với chuyển đổi cây ngắn ngày có sự vượt trội về quy mô diện tích, toàn tỉnh chuyển đổi được 357,5 ha; trong đó, đậu xanh 262,5 ha, đậu đen 25 ha, đậu phộng 70 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Thuận Nam và Ninh Sơn. Mặc dù năng suất không cao (đậu xanh trung bình 1,2 tấn/ha, đậu phộng 3 tấn/ha), nhưng nhờ bán được giá (26.000 - 27.000 đồng/kg), nên lợi nhuận thu được cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Lợi nhuận cây bắp ở vùng chuyển đổi cao hơn, nhất là sản xuất bắp giống. Vụ này toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cây trồng được 25,6 ha bắp; trong đó, nông dân xã Phước Vinh và Phước Thái (Ninh Phước) liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam sản xuất bắp giống, năng suất trung bình đạt 8 tấn/ha, bán giá 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được gần 40 triệu đồng/ha. Đáng quan tâm là, một số giống cây ngắn ngày do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ chuyển giao cho nông dân sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào nâng cao giá trị đơn vị sản xuất. Đơn cử, huyện Bác Ái nhận đơn đặt hàng của doanh nghiệp sản xuất 15 ha kiệu, năng suất đạt 10 tấn/ha, giá bán 36.000 đồng/kg, lợi nhuận 200 triệu đồng/ha/vụ. Riêng cây dài ngày toàn tỉnh đã thực hiện được 70,3 ha; trong đó, táo gần 69 ha, nho hơn 13 ha, cỏ làm thức ăn cho gia súc gần 16 ha, nha đam 2 ha, măng tây xanh 0,5 ha, diện tích còn lại là dừa, mít, xoài. Qua thực tế sản xuất cho thấy, việc chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây dài ngày là xu thế tất yếu trong sản xuất ứng phó với hạn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương quy hoạch vùng chuyển đổi cây dài ngày tập trung, quy mô lớn ở những vụ tiếp theo.
Nông dân Ninh Phước chuyển đất lúa sang trồng bắp cho thu nhập cao.
Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Triển nông thôn, đạt được kết quả trên đó là nhờ có sự quan tâm kịp thời của UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giao chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cho từng địa phương tổ thực hiện đảm bảo về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra thực địa, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở cho từng trường hợp cụ thể; các ngành, các địa phương có sự tham gia tích cực trong hỗ trợ nông sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhận thức của nông dân từng bước được nâng lên, là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phương thức luân canh cây trồng, chuyển đổi bền vững nhằm khai thác hiệu quả đất đai, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng hợp lý nguồn nước tưới trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Các huyện chủ động sử dụng kinh phí dự phòng hỗ trộ giống, vật tư nông nghiệp giúp nông dân có điều kiện tham gia chuyển đổi cây trồng. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân ngày càng khăng khít hơn, chia sẻ lợi ích, hợp tác cùng phát triển.
Phát huy những kết quả đạt được, vụ hè - thu 2020 toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi cây trồng được 320 ha; trong đó, Ninh Phước 44 ha, Thuận Bắc 21 ha, Ninh Hải 5 ha, Ninh Sơn 50 ha, Bác Ái 200 ha. Để công tác chuyển đổi đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp thực hiện cụ thể cho từng ngành, địa phương. Đối với UBND các huyện, xã, chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, xác định vùng chuyển đổi, quy mô đối tượng cây trồng phù hợp với định hướng, quy hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức phổ biến các chính sách hỗ của tỉnh để người dân biết, tiếp cận, chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với Sở Nông nghiệp và Nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch điều tiết nước cụ thể cho từng vùng chuyển đổi. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng đảm bảo chất lượng để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất.
Anh Tùng