Vào những tháng mùa khô năm nay, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Phước chủ động tích trữ nguồn thức ăn, nước uống và tiêm phòng cho đàn gia súc có sừng. Bà con chuyển đổi ruộng gò, đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho thấy nông dân toàn huyện chăn nuôi 99.912 con gia súc có sừng, chiếm 27,6% đàn gia súc có sừng hiện nay của toàn tỉnh (361.057 con). Trong đó, đàn trâu, bò có 23.469 con và đàn dê, cừu có 76.263 con được nông dân chăn nuôi theo mô hình gia trại. Đàn gia súc có sừng tập trung chủ yếu ở các xã Phước Sơn 18.075 con; Phước Vinh 14.757 con; Phước Thuận 12.789 con… Thời tiết khô hạn kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay, các hồ chứa cung cấp nước uống cho đàn gia súc trên địa bàn huyện như Tà Ranh, Bàu Zôn rơi vào tình trạng cạn kiệt. Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó thời tiết khô hạn nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho ngành chăn nuôi gia súc.
Anh Nguyễn Văn Hóa ở thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước) chủ động trồng cỏ và
tích trữ rơm bảo đảm thức ăn chăn nuôi 8 con bò nái sinh sản.
Theo đó, UBND huyện Ninh Phước chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân đưa đàn gia súc đến uống nước tại các điểm gần chuồng trại chăn nuôi. Đối với các xã Phước Hải, An Hải, thị trấn Phước Dân sử dụng nguồn nước kênh Nam, Sông Lu; Phước Hữu sử dụng nguồn nước tràn Mương Sa, ao Mu Lâm, ao Hậu Sanh; xã Phước Thái sử dụng nguồn nước kênh Nam tại tràn Như Bình và các ao Đá Trắng, Thái Hòa, bến tắm Tà Dương; Phước Vinh sử dụng nguồn nước hồ Lanh Ra và hồ Liên Sơn bơm nước từ kênh Nam; xã Phước Sơn sử dụng nước sông Dinh và nguồn nước tại Cầu Lầu. Đối với các hộ chăn nuôi với số lượng nhiều có thể khoan giếng khai thác mạch nước ngầm hoặc di dời đàn về đóng trại ven kênh Nam đào ao bơm trữ nước cung cấp cho gia súc. Đối với nguồn thức ăn được chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân tích trữ nguồn rơm rạ của gần 4.300 ha lúa vụ đông- xuân 2019- 2020 đang vào mùa thu hoạch, nguồn rơm ước đạt trên 10.000 tấn (2,5 tấn/ha). Rơm rạ được xác định là nguồn thức ăn chủ lực do đó nông dân không nên đốt đồng để giữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô. Đồng thời sử dụng thân cây bắp 500 ha, thân cây đậu 260 ha gieo trồng vụ đông- xuân và tận dụng nguồn lá cây nho cây táo với diện tích gần 1.200 ha cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Nông dân các xã trồng 500 ha cỏ trên những vùng đất chủ động tưới cung cấp nguồn thức ăn xanh cho đàn gia súc có sừng, năng suất trung bình đạt 30 tấn/ha/vụ. Diện tích đất trồng cỏ tập trung ở các xã Phước Hải 74,5 ha; Phước Sơn 60 ha; Phước Hậu 45 ha; An Hải 34,5 ha… Nguồn thức ăn cho đàn gia súc có sừng cơ bản được bảo đảm ổn định, duy trì tốt khả năng phát triển đàn trong những tháng mùa khô năm nay. Đồng thời các nông hộ chủ động sửa san chuồng trại bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát cho đàn gia súc trong những tháng nắng nóng kéo dài. Mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc- xin phòng bệnh lỡ mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn gia súc và phun thuốc diệt khuẩn vệ sinh chuồng trại ít nhất 1 tuần/lần.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn tập trung thực hiện hiệu quả công tác chống hạn trên cây trồng và chống hạn cho đàn đàn gia súc. Các nông hộ chăn nuôi chủ động bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống và tiêm vắc- xin phòng bệnh cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Mở rộng diện tích trồng cỏ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả. Thực hiện tốt các biện pháp chống hạn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con chăn nuôi gia súc do thời thời tiết khô hạn kéo dài.
Sơn Ngọc