Sản xuất cây trồng cạn là mới đối với nông dân tỉnh ta vốn ảnh hưởng tập quán trồng lúa nước ăn sâu trong tiềm thức. Thế nhưng, thói quên buộc phải thay đổi để thích nghi với hạn. Năm 2016, khi mới thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành chức năng, các địa phương tổ chức vận động nông dân chuyển đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu, bắp…, thì có nơi dững dưng. Không ít hộ trồng lúa trên vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng cạn như ở khu vực Trạm bơm động lực Xóm Bằng, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) đã bị mất mùa vì thiếu nước.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây bắp. Ảnh: Văn Miên
Khi tâm lý của người dân còn do dự chưa mạnh dạn đổi mới hình thức sản xuất, thì giải pháp chính sách làm “đòn bẩy” để các hộ triển khai mô hình cây trồng cạn ứng phó với hạn đã có hiệu quả. Ngày 15-8-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 65/2017/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 đã khuyến khích các hợp tác xã, nông dân triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nho, táo, các loại cây trồng cạn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn.
Nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, nên các mô hình cây trồng cạn nhanh chóng được nhân rộng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng vụ đông - xuân 2019-2020 toàn tỉnh đã chuyển được hơn 900 ha cây trồng cạn. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa hơn 764 ha. Công tác chuyển đổi đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, thể hiện qua việc hình thành các vùng sản xuất tập trung có sự liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Nông dân Ninh Phước trồng đậu xanh trên đất lúa trong vụ đông - xuân 2019-2020 cho thu nhập cao.
Cây trồng cạn có chỗ đứng trên vùng đất thường xuyên thiếu nước đã củng cố thêm niềm tin vào chủ trương thực hiện thí điểm sản xuất 2 vụ lúa/năm thay vì 3 vụ/năm của tỉnh là phù hợp với tình hình thực tế. Ninh Phước đi đầu trong thực hiện mô hình, ngưng sản xuất 10 ha lúa tại vùng hưởng lợi nước hồ Bàu Zôn ở vụ mùa 2019, thì đến vụ lúa đông - xuân 2019-2020 thu được thắng lợi hơn cả mang đợi. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho hay: Do ngưng vụ mùa, nên sản xuất vụ đông - xuân không bị lệch vụ, tạo thuận lợi cho điều tiết nước, chăm sóc cây trồng, hạn chế dịch bệnh. Khoảng cách giữa các vụ giãn ra, tăng độ phì nhiêu của đất, nên năng suất lúa cao, đạt 8-9 tấn/ha. Hiệu quả từ mô hình là cơ sở để ngành Nông nghiệp quyết tâm đề ra mục tiêu chuyển 1.000 ha đang canh tác 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ/năm tại huyện Ninh Phước và Thuận Nam trong năm nay. Có thể nói, thực hiện thí điểm mô hình sản xuất 2 vụ lúa/năm là quyết định có tính “đột phá” của ngành Nông nghiệp nhằm tiết kiệm lượng nước tưới, nông dân có thời gian để tập trung phát triển chăn nuôi, canh tác các loại cây trồng cạn, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Sau khi vượt qua những khó khăn ban đầu trong thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU của Tỉnh ủy, thì đến nay chương trình chuyển đổi cây trồng cạn đã khẳng định được ưu thế vượt trội. Kỳ vọng về phát triển nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu đã lộ dần những gam màu sáng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù, có tính khác biệt của vùng nắng gió, như: Nho, táo, nha đam, măng tây xanh…
Anh Tùng