Chị Nguyễn Thị Mỹ Anh, khu phố 3, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: Giá nha đam thời gian qua liên tục tăng, từ mức 3.000 đồng/kg thời điểm giữa tháng giêng đến nay đã là 4.500 đồng/kg.Thậm chí, với hàng đẹp, đạt chuẩn giá bán lên tới 5.500 đồng/kg. Với 6 sào nha đam đang cho thu hoạch, mỗi tháng chị Anh xuất bán 20 tấn thu về khoản lợi nhuận 45 triệu đồng. Có hơn 15 năm gắn bó với cây nha đam, ông Trần Đức Anh, một nông dân ở khu phố 2, phường Văn Hải cho biết: Đây là lần đầu tiên ông chứng kiến giá nha đam tăng nhanh và đạt đỉnh cao như vậy. Nha đam phát triển tới đâu, được thu hoạch và thương lái thu mua hết tới đó. So với giá bán trung bình của nhiều năm qua, giá nha đam ở thời điểm này đã cao gấp 4 lần. Với mức giá này, hàng trăm hộ dân trồng nha đam trên địa bàn tỉnh thu về khoản lợi nhuận lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tâm lý phấn khởi, ai ai cũng đẩy mạnh đầu tư để tăng năng suất, cải thiện thêm thu nhập.
Nông dân phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phấn khởi vì nha đam được giá.
Lý giải về nguyên nhân giá nha đam tăng, ông Đặng Hải Âu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết: Đây là thời điểm đầu mùa nắng, nhu cầu sử dụng các món ăn, nước uống liên quan đến nha đam tăng mạnh. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi, sương muối nhiều, cây dễ bị hư, thối dẫn đến chết nên sản lượng tại các hộ có sụt giảm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Công ty thu mua 50-70 tấn nha đam, với mức giá 5.500 đồng/kg.
Với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, nha đam là một trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. “Bén duyên” từ năm 2002, đến nay toàn tỉnh hiện có trên 330 ha nha đam, tập trung chủ yếu phường Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Để nha đam trở thành cây trồng “giảm nghèo” của tỉnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch vùng trồng, dự kiến đến cuối năm 2020 mở rộng diện tích cây nha đam lên khoảng 500 ha. Để đạt mục tiêu, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai những chính sách hỗ trợ nông dân phát triển cây nha đam, đẩy mạnh tuyên truyền, làm cầu nối giúp nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, xây dựng các tổ hợp tác sản xuất nha đam theo chuẩn VietGAP,...đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tin rằng, với những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía, cây nha đam sẽ trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều nông dân tỉnh ta vươn lên làm giàu chính đáng.
Mỹ Dung